.

Thua chính mình

Hình ảnh gục ngã của Hoàng Anh Tuấn trên sàn đấu tại giải Cử tạ Vô địch quốc gia 2009 hẳn làm những ai quan tâm đến Thể thao Đà Nẵng phải âu lo, tiếc nuối. Bởi ở hạng cân 56kg, lực sĩ từng giành Huy chương bạc tại Olympic Bắc Kinh này hẳn xứng với danh xưng “bất bại”. Thế nhưng, Hoàng Anh Tuấn đã thất bại trong một thời điểm ở một giải đấu mà gần như anh không có “cửa” thua. Vậy mà anh đã thua. Thua thảm hại ở mức tạ 145kg cử đẩy và còn kém hơn kỷ lục của chính mình đến 15kg. Dĩ nhiên, không một nhà vô địch nào không từng có một lần thất bại. Nhưng ở đây, cái “cách thua” mới là điều đáng nói.

Sự chủ quan, có thể nảy sinh ở Hoàng Anh Tuấn, vốn quá quen với chiến thắng trên sàn đấu quốc gia. Hơn thế nữa, có thể đó là sự tự mãn khi thử thách (như mức tạ 145kg) vẫn còn dưới khả năng thực tế của Hoàng Anh Tuấn (từng đẩy mức tạ 160kg). Song, quan trọng hơn, thất bại của Anh Tuấn trên sàn đấu chỉ như một hệ quả tất yếu. Bởi chính từ cách nghĩ về một thắng lợi dễ dàng, một thất bại đã sớm đến với Hoàng Anh Tuấn ngay từ trước khi anh bước vào thi đấu. Trên tất cả, thất bại ấy lại được tạo dựng bởi những “người lớn”.

Những ngợi khen cho một sự thành đạt, một chiến thắng, luôn luôn cần thiết. Đó chính là nguồn động viên vô cùng lớn lao để những người từng thành công, từng chiến thắng tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tốt hơn cho những mục tiêu cao hơn.

Tuy nhiên, khi mọi sự tung hô vượt quá “ngưỡng” cần thiết, rất dễ khiến con người tự huyễn hoặc mình để quên rằng, trong cuộc sống nói chung và trong thể thao nói riêng, không hề có giới hạn cuối cùng khi cuộc sống luôn vận động không ngừng.

Càng đáng lo ngại hơn khi thất bại của Hoàng Anh Tuấn còn có những nguyên nhân sâu xa ngay trong nội bộ đội tuyển Cử tạ Đà Nẵng. Nếu Hoàng Anh Tuấn được dìu dắt bởi HLV Phan Văn Thiện thì chuyên gia Tupurov được giao nhiệm vụ huấn luyện VĐV trẻ Trần Lê Quốc Toàn. Thực tế, việc chuyên gia Tupurov muốn Trần Lê Quốc Toàn thực hiện một cuộc “lật đổ” Hoàng Anh Tuấn cũng là lẽ thường. Song do nội bộ Ban huấn luyện chưa có phương pháp trong công tác chỉ đạo nên đã không thống nhất trong việc đăng ký khối lượng tạ cho VĐV. Và Hoàng Anh Tuấn đã chịu một thất bại không đáng có.

Theo lý giải từ những người có trách nhiệm của ngành TDTT, một sự cạnh tranh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự “cạnh tranh lành mạnh” và “cạnh tranh không lành mạnh” hết sức mỏng manh. Để rồi, một sự nhầm lẫn, một tính toán sai lầm đủ khiến một tài năng mai một.

Trong quá khứ, bóng đá Đà Nẵng từng có những tài năng trẻ như N.T.K, N.A.T, Đ.N.T... song chính từ sự nuôi dưỡng, sự đào luyện theo kiểu nuông chiều từ “người lớn” đã dẫn đến những ngộ nhận. Từ đó, tất cả đã có một cú trượt dốc đáng tiếc dù họ chỉ mới bắt đầu cho một hành trình chinh phục đỉnh cao.

Lại nghĩ đến CLB SHB Đà Nẵng khi mùa giải mới không còn xa. Với “cú đúp” ở mùa giải này cùng danh hiệu đương kim vô địch giải Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc, vinh quang đang trở thành một gánh nặng cho thầy trò Lê Huỳnh Đức. Những lời chúc mừng, ca tụng... rồi cũng qua đi, trong khi những thách thức mới vẫn đang còn phía trước.

Có thể, HLV Lê Huỳnh Đức và các học trò sẽ không quá nhiều tham vọng để bảo vệ thành công những gì họ đã giành được. Điều quan trọng là việc xác định mục tiêu nào quan trọng hơn và tập trung tốt nhất toàn lực để hoàn thành. Quan trọng hơn nữa là cần phải loại bỏ những sự tự mãn, chủ quan, phải đạt đến sự đoàn kết, thống nhất vì một mục tiêu chung, phải xác định được vị thế của mình để bắt đầu cho một hành trình mới, cam go hơn, nhiều thách thức hơn.

Học từ một thất bại luôn là điều cần thiết và nếu vẫn cứ đắm chìm trong vinh quang quá khứ, chẳng khác nào con người đang trong trạng thái “lâng lâng chết”. Chính cái “lâng lâng chết” ấy, đủ sức khiến một tài năng “chết thật”. Sau một thành công, mỗi người hãy nhớ đến câu nói của nhà văn A.Moravia: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến”...

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.