.

Vượt qua thử thách

VTV1 lúc 19 giờ 20 phút ngày 29-9-2009 nói rằng, nếu như sự tàn phá của cơn bão Xangsane (2006) đã “kéo Đà Nẵng lùi lại 10 năm” thì cơn bão số 9 (Ketsana) lần này, tổn thất của Đà Nẵng cũng không hề ít… Nhìn những tấm ảnh mà Báo Đà Nẵng điện tử phát đi lúc 18 giờ 59 phút cùng ngày thì ai cũng thấy rõ, một lần nữa, người dân Đà Nẵng lại phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt từ thiên tai…

Trước hết phải thấy rằng, cơn bão số 9 có sức tàn phá khủng khiếp, diện ảnh hưởng của nó rất rộng. Chưa bao giờ một cơn bão lại có thể gây ra những tổn thất về người và của lớn đến bất ngờ: Ngay cả với các tỉnh Tây Nguyên. Ở Lâm Đồng có một người chết vì cây đổ, Kon Tum là 12 người chết và mất tích (TTO, 19 giờ, 29-9-2009)… Nói như thế để thấy tổn thất về người ở Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, đã được hạn chế đến mức thấp nhất (theo VTV1, có 23 người chết, 7 người mất tích, hàng chục người bị thương – riêng Đà Nẵng là 4 người chết, mất tích và 10 người bị thương).

Được sự chỉ đạo trực tiếp, nhanh chóng và dứt khoát của UBND thành phố Đà Nẵng, công tác di dời dân ở vùng nguy hiểm đã được thực hiện thành công chưa từng có: 11.000 hộ dân với 33.000 người đã được chuyển đến những địa điểm an toàn trước khi cơn bão ập đến. Đây là một trong những nhân tố quyết định nhằm giảm đến mức thấp nhất tổn thất về người. Chưa thể thống kê tổng số thiệt hại về vật chất là bao nhiêu nhưng có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều đoạn đường dây điện cao thế, trung thế bị hư hại nặng.

Con đường dài 12km đẹp nhất Đà Nẵng – đường Nguyễn Tất Thành bị bão và triều cường phá tan hoang. Hàng chục ngàn cây cối bị gãy, bật gốc; hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập; 9 tàu thuyền bị đánh vỡ, bị chìm… Những thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra đang là thử thách lớn lao, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm  khắc phục của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Những kinh nghiệm đau thương từ Chanchu, Xangsane đã cho người Đà Nẵng biết rằng phải luôn cảnh giác, tỉnh táo, kiên quyết và đồng bộ khi đối phó với những thảm họa từ thiên tai. Nhờ có tinh thần ấy, Đà Nẵng không những không bị kéo lùi lại 10 năm mà còn phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Sự chung sức, đồng lòng của ý Đảng, lòng dân hồi ấy vẫn là bài học còn tươi mới đến hôm nay. Còn nhớ, UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó đã ra chỉ thị kiên quyết nghiêm trị thích đáng những hành vi đục nước béo cò như tăng giá tôn lợp nhà, kèo, vì sắt.
 
Nhờ vậy, vật giá được bình ổn, cuộc sống của người dân ít bị đảo lộn. Những thiệt hại từ bão có muôn hình vạn trạng và, rất cần sự trợ giúp, chung tay của tất cả mọi người. Không ít con người ngày thường bình lặng đã tỏa sáng trong khó khăn. Không thể quên được chuyện 11 thanh niên thôn Hồng Phước, Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu đã tình nguyện ở lại để bảo vệ xóm làng, bị cô lập, vẫn vững vàng vượt qua thử thách. Hàng trăm hành khách bị kẹt xe trên đường đã được Quận ủy Liên Chiểu đưa về trụ sở quận để giúp đỡ…

Bây giờ, khi cơn bão đã đi qua, chúng ta lại càng phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa. Những vùng mà người dân bị ngập lụt, nước chưa thể rút trong ngày một, ngày hai. Hàng ngàn căn nhà của người nghèo bị mưa gió đánh tả tơi đang rất cần sự san sẻ, đùm bọc.

Người xưa có một câu rất hay rằng, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là phải đi xuyên qua nó. Đà Nẵng đã chứng tỏ sự vững vàng, tự tin khi vượt qua muôn vàn khó khăn mà cơn bão Ketsana đã gây ra. Thử thách chỉ càng làm chúng ta mạnh mẽ hơn. Và, tất nhiên, dù khó khăn đến mấy, Đà Nẵng cũng không quên chia sẻ với Quảng Nam anh em, nơi tâm bão Ketsana đi qua, vừa phải chịu đựng những tổn thất lớn nhất …

ĐINH THIỆN - QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.