.

Bác sĩ về làng

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định thực hiện chế độ ưu đãi đặc biệt cho bác sĩ nếu về công tác ở các trạm y tế xã, phường – càng xa càng nhiều ưu đãi. Theo đó, những bác sĩ cam kết sẽ yên tâm công tác ít nhất 5 năm sẽ được hưởng phụ cấp bằng 100% lương. Ngoài ra, bác sĩ còn được hỗ trợ tiền tàu xe về thăm quê, được hưởng các khoản ưu đãi khác như trợ cấp học thạc sĩ, nâng cao trình độ chuyên môn, ưu tiên trong việc tuyển dụng... Ngoài ra còn được hưởng thêm trợ cấp một lần, tối đa lên đến 15.000.000 đồng!

Đọc tin này, người nông dân nghèo thật sự vui mừng. Lâu nay, do không có bác sĩ nên bệnh to, bệnh nhỏ đều phải đến bệnh viện quận, huyện hoặc thành phố, vừa xa, vừa vất vả, tốn kém. Nếu là bệnh nặng thì đến bệnh viện là lẽ đương nhiên, nhưng 70% bệnh nhân đến viện là do thiếu hiểu biết, và vì thế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Mặt khác, có những căn bệnh hiểm nghèo hoặc nếu không được sơ cứu kịp thời, hướng dẫn đúng thì lại nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bây giờ, một khi xã vùng xa nào cũng có bác sĩ thì chắc chắn việc chữa trị sẽ tốt hơn rất nhiều.

Đà Nẵng đã có một chính sách vừa thiết thực vừa hiệu quả. Rõ ràng, nếu có biện pháp hỗ trợ đúng và đủ thì vấn đề bác sĩ, giáo viên ngại đến với vùng sâu, vùng xa sẽ được khắc phục. Đây không chỉ là vấn đề chăm sóc sức khỏe mà còn có ý nghĩa xã hội toàn diện và sâu sắc.

Phát triển bền vững luôn cần đến các giải pháp đồng bộ, dù thiếu bất kỳ lĩnh vực nào cũng không thể tạo nên sự ổn định và tiến bộ lâu dài. Bên cạnh đó, phải thấy rằng việc tăng cường bác sĩ, giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi đến những vùng khó khăn còn có tác dụng khai mở dân trí để nâng dần mặt bằng văn hóa ở các vùng đó, tiến tới đuổi kịp những vùng khác. Văn hóa làm sao có thể nâng cấp, vượt tầm nếu không có những chất liệu mới, những thay đổi có chất lượng?

Nếu kế hoạch đưa bác sĩ về các vùng xa, vùng sâu (cùng với giáo viên) được thực hiện tốt thì chắc chắn rằng niềm tin, hạnh phúc mà nhân dân được hưởng trước sự quan tâm của Nhà nước sẽ lớn hơn rất nhiều. Giáo dục và y tế bao giờ cũng là hai lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp nhất, tác động nhiều nhất đến tâm tư, tình cảm của người dân. Lênin từng nói rằng, hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ. Nói một cách khác, Lênin đã ngầm định rất rõ rằng muốn chinh phục được trái tim, khối óc của người dân thì mọi chính sách do Nhà nước đưa ra đều phải thiết thực và cụ thể.

Một chính sách, giải pháp mới bao giờ cũng khó khăn. Điều đáng trân trọng là lãnh đạo thành phố luôn đưa ra những giải pháp sớm, có ý nghĩa tiên phong và hợp lý. Giá như mô hình này được áp dụng đại trà trên cả nước thì các khái niệm như vùng sâu, vùng xa sẽ gần hơn nhiều lắm. Đó cũng là con đường ngắn nhất để giảm bớt sự cách biệt giữa nông thôn và thành phố.

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.