.

Báo động thực phẩm nguy hại!

Tháng trước là hàng chục tấn mỡ ôi thiu bị phát hiện. Tháng này là 170 tấn xương động vật hôi thối đã bị các cơ quan điều tra lập biên bản xử lý. Câu hỏi khiến dư luận quan tâm: Đà Nẵng gặp rất nhiều chướng ngại trên con đường thực hiện mục tiêu “Thành phố môi trường”. Liệu những kẻ kinh doanh vô lương tâm này còn tồn tại mãi?

Điều đáng phẫn uất hơn cả là hàng trăm tấn xương động vật đó được thu gom từ các… thùng rác(!) Không thể hình dung nổi vì sao có thể lấy những thứ từ rác rồi chế biến lại để thành bột ngọt, nước dùng cho các nhà hàng? Những vụ việc liên tục như thế xảy ra đồng thời với các vụ trụ điện không có móng đúng chất lượng, bờ kè đường Nguyễn Tất Thành vừa bị cơn bão số 9 phá tan tành cho chúng ta biết rằng kiểu làm ăn dối trá, vô trách nhiệm, không còn là chuyện “vài con sâu” hay “hiện tượng” nữa.

Sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng trên. Nếu có chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì mùi hôi thối từ xương, những trụ điện cẩu thả không thể nào không bị phát hiện. Tháng trước, một quan chức có trách nhiệm nói rằng “mỡ được đưa đi tiêu thụ ở nơi khác (Hà Nội) nên cơ quan quản lý không chịu trách nhiệm?”. Đó là một cách trả lời không thể chấp nhận được. Dù tiêu thụ ở Đà Nẵng hay tiêu thụ ở bất kỳ đâu thì trách nhiệm đối với cộng đồng, lương tâm và đạo đức con người cũng không thể dung thứ.

Chế tài và các hình thức xử phạt quá nhẹ là nguyên nhân tiếp theo dẫn đến sự coi thường kỷ cương, luật pháp. Phải coi việc dùng mỡ, xương động vật thối để chế biến thực phẩm là tội ác. Đối với loại tội ác này phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc nhất, cao nhất. Xử phạt hành chính vài ba triệu đồng, đóng cửa cơ sở sản xuất dăm ba bữa, trên thực tế không đủ sức răn đe những kẻ làm ăn bất chính được.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thấy rằng tình hình an ninh, trật tự kinh tế, xã hội hiện nay là một trong những nguy cơ thách thức sự phát triển và ổn định, nó đang trực tiếp tác động đến công cuộc phát triển của thành phố trẻ, năng động. Vấn đề là ở chỗ, phải nhìn thấy những hiểm họa ngay từ khi chúng manh nha để có những biện pháp quyết liệt, kịp thời.

Nếu cho rằng chuyện ấy chỉ là một vài vấn đề “nhỏ, đơn lẻ” thì khi nó bùng phát thành một nạn dịch,  e rằng sẽ vô phương cứu chữa. Trong phương châm đấu tranh chống lại tội ác, sự xem nhẹ hay không lường hết những hậu quả và hệ lụy là điều phải đặt lên hàng đầu. Dĩ nhiên, một vài chục cán bộ chuyên trách không thể nào đảm đương nổi hàng núi công việc phức tạp. Cần phải huy động sức dân để sao cho, mỗi người dân đều có ý thức cảnh giác phát hiện kịp thời và cấp báo nhanh cho các cơ quan có trách nhiệm. Tại sao không thể thiết lập một đường dây nóng và quy định một mức thưởng nhất định cho những người có công phát hiện sai phạm và nguy hại - bất kể trên lĩnh vực nào?

Một hai con sâu chưa thể tạo nên mối nguy hại trầm trọng. Nhưng, cái ác sinh sôi và nảy nở rất nhanh lại là vấn đề nan giải của xã hội thời hội nhập, phát triển. Không thể chấp nhận tình trạng tháng nào cũng có những sự việc bê bối như mỡ, xương động vật ôi thối được “chế biến” ồ ạt? Cuộc sống và sức khỏe của người dân đang bị đe dọa. Tại sao không thể phát động trên toàn thành phố “tháng đấu tranh chống lại sự xâm hại môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm”? Nếu làm được điều này, tin rằng sẽ phát hiện ra nhiều vụ việc nữa…

NGUYỄN HOÀNG

;
.
.
.
.
.