.

Cần lắm sự sẻ chia

Bão số 9 và lũ đặc biệt lớn gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Chỉ tính riêng ở Đà Nẵng, bão lũ làm 7 người chết, 299 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 3.000 ngôi nhà bị sập một phần, tốc mái; 26.142 ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ, 22 tàu thuyền bị chìm, hơn 100 nghìn m3 đất đá tại các công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hơn 7.000ha rừng trồng bị gãy đổ…, thiệt hại về vật chất gần 500 tỷ đồng. Trong đó, huyện Hòa Vang là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, khi vừa bị bão vừa bị lũ tàn phá trên diện rộng. Sau bão, về các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, chúng tôi khó cầm lòng khi nhà cửa, ruộng vườn, đồi núi nơi đây tan hoang chẳng khác mấy so với sau bão Xangsane 3 năm trước.

Không thể nói hết nỗi cực khổ, khó khăn, túng thiếu của người dân Hòa Vang sau đợt bão lũ tàn khốc này. Chỉ trong vòng 3 năm, họ liên tục gồng mình đương đầu với nhiều đợt thiên tai mà đợt nào cũng gây hậu quả hết sức nặng nề. Mới đây nhất, đầu tháng 9, hàng nghìn gia đình đã phải trắng tay khi nước ngập trắng đồng trắng bãi, gây hư hại gần 1.000ha lúa hè thu. Cái đói chưa giải quyết xong, giống thiếu chưa khắc phục được, bão số 9 và lũ lớn lần này làm cho đời sống hàng vạn gia đình vốn đã khó khăn càng khốn khó hơn. Biết bao vốn liếng, công sức họ nỗ lực đầu tư và chắt chiu dành dụm, bỗng chốc trắng tay vì thiên tai. Không ít địa phương giành được kết quả khá lạc quan trong công cuộc xóa nghèo, chỉ sau trận bão lũ, trở thành các xã nghèo.

Những ngày qua, với sự hỗ trợ của Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp và đồng bào cả nước, đời sống bà con Hòa Vang được sưởi ấm phần nào, nhưng những gì họ tiếp nhận từ nguồn cứu trợ chẳng thấm vào đâu so thiệt hại và khó khăn họ đang gánh chịu.

Đã thành truyền thống, sau các biến cố của thiên tai, khu vực bị thiệt hại nặng thường nhận được sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương khác. Trước tổn thất vô cùng nặng nề do bão số 9 và lũ lớn gây nên, cả nước đang dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung và đã có sự hỗ trợ rất thiết thực từ nhiều địa phương, ban, ngành.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân. Chắc chắn từ phong trào này, những gia đình bị thiệt hại nặng do bão không chỉ được sưởi ấm bởi tình cảm cao quý của đồng loại mà còn có cơ hội vươn lên trong cuộc sống...    

Công bằng mà nói, bão số 9 tuy rất tàn khốc nhưng nhiều địa phương, nhất là khu vực nội thị Đà Nẵng có thiệt hại nhưng không đáng kể. Cuộc sống của người dân nơi đây nhanh chóng trở lại bình thường. Duy chỉ có ở Hòa Vang, sau khi lũ rút, bên cạnh sự vất vả, cực nhọc khắc phục hậu quả là nỗi lo thiếu cái ăn hằng ngày, thiếu giống để sản xuất vụ đông xuân sắp tới. Sau bão, biết bao học sinh không còn vẻ vô tư, hồn nhiên như trẻ em nơi khác chỉ vì bão lũ đã làm hư hỏng sách vở, quần áo và cơm không đủ bữa.    

Cần có sự hỗ trợ kịp thời đối với nông dân Hòa Vang để họ có điều kiện vượt qua tổn thất do thiên tai gây nên. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chúng tôi thấy các địa phương trong thành phố cần phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng do bão lũ. Chỉ có cuộc phát động này mới khơi dậy tấm lòng “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ những người hoạn nạn vượt qua cơn khốn khó.

Chỉ cần mỗi gia đình ở khu vực nội thị ủng hộ 10 nghìn đồng, hàng trăm gia đình ở huyện Hòa Vang sẽ không phải ở nhà tạm bợ, học sinh vùng này có thêm sách vở đến trường. Với tấm lòng người dân thành phố Anh hùng, chắc chắn ai ai cũng sẵn lòng dành tình cảm sâu nặng cho đồng bào bị thiệt hại nặng do thiên tai nếu phong trào quyên góp ủng hộ dấy lên rộng rãi, đều khắp trên địa bàn thành phố.               

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.