.

Chơi chữ!

Trong văn bản vừa gửi các cơ quan chức năng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho rằng, 170 tấn xương động vật thu giữ tại nhà bà Nguyễn Thị Ngãi  (trú tổ 2, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) là “phế liệu” chứ không phải là “sản phẩm động vật được lấy từ quá trình sơ chế động vật”.

Mục đích của việc “chơi chữ” này không gì khác, chính là để bàn giao trách nhiệm về việc tham gia xử lý vụ việc này của Chi cục Thú y (trực thuộc Sở) sang cho đơn vị khác, mà cụ thể là quận Liên Chiểu. Bởi theo Pháp lệnh Thú y thì sản phẩm động vật bao gồm thịt, trứng, sữa, xương..., nhưng đây đã là “phế liệu” nên ngành Thú y “phủi tay”!

Trong khi đó, lãnh đạo quận Liên Chiểu cho biết, nếu đùn đẩy trách nhiệm kiểu này, thì quận cũng chỉ được xử lý vi phạm ở mức độ hành chính, chứ không thể có chế tài nào nặng hơn. Nghĩa là, vụ việc thì lớn nhưng cơ sở vi phạm chỉ chịu mức hình phạt nhẹ, đồng nghĩa với việc sẽ tồn tại những vụ việc tương tự.

Vụ việc này nhắc chúng ta nhớ đến vụ đùn đẩy trách nhiệm vòng quanh giữa các cơ quan chức năng với lãnh đạo địa phương huyện Hòa Vang trong vụ phát hiện hàng chục tấn mỡ động vật được chế biến gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Hòa Phong vừa qua. Ngay tại hiện trường, các ngành chức năng cũng bó tay với việc đưa ra các giải pháp.

Mặc dù các cơ sở này hoạt động trái phép, không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, vệ sinh môi trường..., nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xác định được nguồn gốc nguyên liệu, mục đích và nơi tiêu thụ sản phẩm… nên không có hướng xử lý cụ thể. Vì thế, mới có ý kiến lôi cả ngành Thuế vào, bởi các cơ sở kinh doanh, chế biến mỡ động vật lâu nay nhưng không chịu nộp thuế!

Rồi cũng mới đây, vụ việc không gây tranh cãi nhiều trên dư luận, mà chỉ là trong buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy với Ban Thường vụ Quận ủy Cẩm Lệ về việc thực hiện Kết luận 06-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng và phát triển quận Cẩm Lệ đến năm 2010. Đó là việc thi công đường Lê Trọng Tấn. Cơ quan chức năng thành phố thì cho rằng, vụ việc kéo dài là do bên địa phương không thực hiện tốt công tác di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho bên thi công. Còn lãnh đạo quận Cẩm Lệ thì khăng khăng là đã bàn giao mặt bằng, nhưng bên thi công vẫn không chịu triển khai nhanh.

Hậu quả của việc này là mặc dù công trình đã được khởi công nhưng tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân trên tuyến đường này trong việc đi lại, bảo đảm vệ sinh môi trường… Chưa phân định ai đúng ai sai, riêng việc đùn đẩy đó chỉ làm khổ người dân mà thôi!
Từ những vụ việc trên có thể thấy, khi có một việc gì khó khăn trong giải quyết mà liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì các cơ quan chức năng thường sử dụng biện pháp “chơi chữ” để đùn đẩy trách nhiệm chứ không phải ngồi lại để tích cực giải quyết. Cũng chính vì thế, có nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng cũng chỉ được xử lý theo hướng hành chính và “phạt cho tồn tại”.

Trong những vụ việc tương tự, thì cũng không thể đổ lỗi hết cho các ngành chức năng của thành phố và các địa phương, mà điều quan trọng, chính là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các hướng dẫn thực hiện vẫn còn mập mờ, không phân định rõ vai trò, trách nhiệm nên dẫn đến việc triển khai thực hiện rất khó khăn, dễ tạo kẽ hở cho các cơ quan chức năng “chơi chữ”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi có sự việc xảy ra.

Mặc dù bài học kinh nghiệm này vẫn thường xuyên được “rút ra một cách nghiêm túc”, thế nhưng, mỗi lần vụ việc xảy ra lại chạy vòng quanh, nhất là đối với những vụ việc liên quan đến trách nhiệm nhiều hơn là quyền lợi!

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.