.

Doanh nhân và xã hội

Ngày 13-10 là ngày Doanh nhân Việt Nam. Người làm kinh doanh trong thời đại hiện nay là chiến sĩ trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước phồn vinh. Họ không còn bị gọi tên một cách miệt thị là “con buôn”, “con phe”, “dân chạy chợ”, “bọn tư thương” hay thậm chí là “thành phần bóc lột” nữa. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay lại có nhiều hoạt động, nhiều hội thảo, diễn đàn với chủ đề “kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa” rất có ý nghĩa.

Doanh nhân hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường đầy sự cạnh tranh trước hết lấy lợi nhuận làm thước đo kết quả. Trong môi trường kinh doanh khốc liệt và nhiều thách thức đó, doanh nhân Việt Nam luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm đối với mục tiêu phát triển của đất nước theo hướng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 
Với những biểu hiện cụ thể trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước hiện nay, chúng ta tự hào với nhiều điển hình doanh nhân Việt Nam  thành đạt đã dành công sức, tiền của cho công tác xã hội. Đã có nhiều doanh nhân có mặt tại các địa phương ngay sau những cơn bão, trận lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn vừa xảy ra với hàng trăm triệu, có khi hàng tỷ đồng hàng hóa cứu trợ. Nhiều nữ doanh nhân tuần nào cũng có mặt ở các bệnh viện lớn, nhỏ, cùng các nhà hảo tâm khác, chăm lo đều đặn những nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo.
 
Các tổ chức như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Hội Khuyến học các cấp... ra đời và hoạt động có hiệu quả hơn một thập niên vừa qua từ Nam chí Bắc, nếu không có vai trò của các doanh nhân, chắc chắn rằng hiệu quả sẽ không cao như ta thấy. Các thương hiệu mạnh như Gạch Đồng Tâm, Du lịch Palm Garden, Bảo hiểm Prudential, Sữa Vinamilk, Indochina Capital, Tôn Hoa sen, Đại Tín ngân hàng, Cao đẳng Đông Á, Bia Việt Nam... và hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nhờ nghiêm túc bảo trợ cho các lợi ích xã hội đã củng cố được lòng tin của khách hàng và nâng cao uy tín. Điều này không có gì lạ nếu ta thấy hệ thống cửa hàng bán lẻ Body shop, Cash & Carry, hay hãng giày Nike ở Mỹ và các nước phương Tây cũng đều có nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, tài trợ cho người vô gia cư và nạn nhân các vụ thiên tai trên thế giới... Theo giáo sư Philip Kotler của Trường đại học Illinois - Mỹ, trong cuốn sách nổi tiếng “Tư duy lại tương lai”:

Tạo cho công ty một tính cách xã hội chứ không chỉ tính cách kinh doanh có thể giúp gây ra sự chú ý kính trọng và trung thành nơi khách hàng. Một đồng nghiệp của ông tại đại học danh tiếng Harvard là giáo sư John Kotter lại tổng quát hơn khi đặt vấn đề văn hóa kinh doanh trong một môi trường đang thay đổi của thế giới, theo đó buộc doanh nhân phải suy nghĩ lại về văn hóa kinh doanh khi mà “sau khi trải qua một giai đoạn phát triển sung mãn, nhiều công ty lại biến chất về văn hóa, trở nên cao ngạo và thiển cận...”. (Tất nhiên khái niệm văn hóa kinh doanh bao hàm nhiều yếu tố rất rộng!).

Đời sống kinh tế càng thay đổi theo hướng hội nhập bao nhiêu, theo các nhà nghiên cứu, khuynh hướng chuyên biệt về sản phẩm và sự can dự rộng rãi trong các hoạt động xã hội càng dễ tạo nên ưu thế trong kinh doanh. Sự “cao ngạo và thiển cận” chỉ đặt lợi ích kinh doanh lên trên hết như một Vedan hay nhiều công ty nhỏ khác đang có những hoạt động xâm hại môi trường, sức khỏe của cộng đồng gần đây chẳng hạn, sẽ đi ngược lại với tinh thần doanh nhân hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Tương tự như vậy, người viết bài này từng hỏi chuyện với một doanh nhân nổi tiếng (sau đó đã vào tù vì những tiêu cực trong kinh doanh) rằng anh ta cần gì sau khi đã có tất cả? Câu trả lời là: Anh ta chỉ mê làm ra tiền, anh ta “say” những phi vụ làm ăn có lãi lớn đến nổi nằm mơ vẫn bị ám ảnh! Những doanh nhân như vậy sẽ khó sóng đôi cùng cộng đồng trên con đường xây dựng một đất nước phát triển bền vững mà tinh thần ngày 13-10 hằng năm đã và đang hướng tới.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.