.

Gậy ông đập lưng ông

Sau đợt lũ đặc biệt lớn vừa qua, người dân Đà Nẵng và Quảng Nam quá đỗi ngỡ ngàng khi chứng kiến khối lượng gỗ, củi khổng lồ tràn ngập dọc bờ sông, bãi biển, điều mà từ trước đến nay ít khi xảy ra. Lượng gỗ bị nước lũ cuốn trôi tấp vào bờ sông Vu Gia phía thượng lưu cầu Quảng Huế thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (QN), cả bãi rộng hơn một km2. Trên địa bàn Đà Nẵng, gỗ, củi cũng ngổn ngang dọc các con sông và bãi biển Mỹ Khê với khối lượng rất lớn.
 
Nhiều người cho rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Gỗ, củi khối lượng lớn tràn ngập bờ sông, bãi biển chỉ là loại gỗ thường, hàng nghìn m3 gỗ tốt, loại không thể nổi, đang chìm dưới đáy sông hoặc vùng cửa biển. Quả là “Cháy nhà ra mặt chuột”. Khi khối lượng gỗ, củi khổng lồ bị cuốn ra biển sau trận lũ kinh hoàng, mọi người mới giật mình nhận thấy rừng đầu nguồn đã và đang bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng, chính sự tàn phá này là nguyên nhân chủ yếu gây nên lũ tàn khốc như vậy.

Có điều, phá rừng chỉ do một bộ phận nhỏ tiến hành, còn  hậu quả thì cả cộng đồng gánh chịu. Lũ tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, hư hỏng các công trình dân sinh, sạt lở bờ sông, bồi lấp đất canh tác trên diện rộng, thiệt hại về vật chất hàng trăm, có khi hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng việc khắc phục hậu quả, trong đó có việc thu dọn hàng nghìn mét khối gỗ tạp, củi mục ngổn ngang dọc bờ sông, bãi biển cũng tốn rất nhiều tiền của, công sức.

Bất cứ người nào cũng hiểu rằng, rừng không chỉ giàu tài nguyên lâm sản, mà còn là nơi cân bằng môi trường sinh thái, ngăn chặn tình trạng sạt lở núi và hạn chế lũ lớn. Hiểu là vậy, nhưng trên thực tế rừng vẫn bị khai thác đến cạn kiệt. Ở Quảng Nam và Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, đã có hàng nghìn ha rừng bị biến mất. Diện tích rừng còn lại cũng đang nằm trong tầm ngắm của  lâm tặc. Có thể nói rằng, không khi nào rừng đầu nguồn được bình yên.

Không chỉ những cây gỗ quý bị lâm tặc tìm kiếm chặt hạ mà cả những cây gỗ còn non, những cây ít giá trị về kinh tế cũng không thoát khỏi lưỡi cưa oan nghiệt của lâm tặc. Điều nguy hại hơn, tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng, quy mô lớn, lâm tặc lực lượng đông đảo, dùng cưa máy đốn hạ cây mà chưa có giải pháp nào ngăn chặn. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh kịp thời, chắc chắn thiên tai sẽ trút cơn giận dữ xuống đời sống của cả cộng đồng với những đợt lũ quét kinh hoàng hơn gấp bội.

Thời gian qua, cuộc chiến bảo vệ rừng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, đầu tư cả về lực lượng, trang thiết bị và kinh phí. Thế nhưng, lực lượng bảo vệ rừng đang bất lực trước tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng. Không có sự biện minh nào thuyết phục về tính hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng khi hàng chục nghìn m3 gỗ (trong đó tỷ lệ gỗ do con người khai thác không phải là ít) chất đầy bờ sông, bãi biển sau lũ.

Con người tàn phá rừng để rồi chính con người hứng chịu những tổn thất khó lường do thiên tai gây nên. “Gậy ông đập lưng ông”, hậu quả nhãn tiền mà ai ai cũng thấy được từ tình trạng phá rừng. Từ đợt lũ tàn khốc này, hy vọng lãnh đạo các cấp, các ngành và cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng có giải pháp khả thi hơn, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, góp phần hạn chế thấp nhất thiên tai lũ lụt.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.