.

Gói kích cầu thứ hai có cần thiết?

Trong phiên họp cuối tuần hôm nay và ngày mai (29 và 30-10-2009), Quốc hội sẽ quyết định việc có cho phép Chính phủ chi tiếp gói kích cầu thứ hai (GKC2) để nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời phục hồi và tiến tới tăng trưởng nhanh hay không?

Về mặt nguyên tắc, GKC2 là cần thiết vì nền kinh tế giống như đang thoát khỏi cơn bạo bệnh là khủng hoảng kinh tế toàn cầu; do vậy rất cần đến một “liều thuốc tăng cường” để chấm dứt cơn bệnh. Tuy nhiên, hạch toán kinh tế cho thấy khả năng GKC2 có đạt được mục tiêu đề ra hay không lại là chuyện thật sự đáng bàn.

Phát biểu tại Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh cho rằng không nên thực hiện GKC2 vì nhiều lý do. Thứ nhất, tổng dư nợ ngân sách lên đến 44% GDP cùng với việc giá vàng tăng, giá USD tăng sẽ rất dễ dẫn đến lạm phát - tức là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người nghèo. Thứ hai, không cần thiết phải kích cầu mà chỉ cần kiểm soát chi tiêu và ngừng lại các chương trình mục tiêu quốc gia không hiệu quả. Thứ ba, Nhà nước cần phải có chính sách đúng về việc xuất và nhập khẩu vàng, đồng thời kiểm tra hiệu quả của GKC1 (Báo Đà Nẵng, 28-10-2009).

Trong vấn đề mà ĐB Nguyễn Bá Thanh đưa ra, Đại biểu Hà Tĩnh Nguyễn Thị Vân cho rằng GKC1 ít đến với người nghèo vì chỉ 50 - 60% nông dân có sổ đỏ. Không có sổ đỏ thì không được vay tiền(!) (Vietnamnet, 27-10-2009). Trớ trêu hơn nữa là Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói rằng nông dân bị thiệt hại về giá bán đến 11% vì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được kích cầu nên tung tiền mua phá giá theo cách bắt chẹt, khiến cho kích cầu trở nên phản tác dụng…

Cần phải đặc biệt nhấn mạnh rằng nhiều năm trước đây, việc tăng lương vào dịp cuối năm dương lịch, trước Tết luôn dẫn đến sự đột biến của lạm phát. Thêm vào đó, việc hàng loạt dự án, cơ quan Nhà nước giải ngân do năm tài chính sắp hết đã tạo ra không ít tiền lệ xấu, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Mặt khác, nếu GKC2 lại đồng loạt được giải ngân cùng hàng ngàn tỷ đồng từ GKC1 chưa giải ngân hết trong dịp này thì hệ quả thực sự là khó lường.
 
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo Việt Nam rằng rất có nguy cơ lạm phát sẽ trở lại và, nếu thế, sự khắc phục càng khó khăn hơn gấp bội phần. Đó là chưa nói chuyện GKC1 chưa được kết toán chính xác nên hiệu quả của cái cũ chưa biết mà áp dụng ngay cái mới tương tự là việc làm thiếu khoa học, nếu không muốn nói là chúng ta đang thực hiện các giải pháp kinh tế theo cách người mù xem voi. Sự lãng phí cũng là điều cần bàn bởi chỉ cần toàn bộ các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước có ý thức và định hướng rõ việc tiết kiệm những khoản chi không cần thiết nhưng đồng thời mua sắm vật dụng, trang bị bằng hàng hóa Việt Nam thì lợi ích còn lớn hơn bất kỳ một gói kích cầu nào!

Một chính sách hiệu quả là chính sách được kiểm định và suy xét một cách cẩn trọng. Một động thái gia tăng tiền mặt trong thời điểm nhạy cảm này lại càng phải nghiêm cẩn hơn. Rất mong các đại biểu Quốc hội suy xét và có quyết định chính xác, sao cho lạm phát phải được kìm hãm, sản xuất và đời sống của người nghèo được bảo đảm và những khoản kích cầu không đúng đối tượng phải được truy xét, ngăn chặn kịp thời… Có như thế thì tăng trưởng mới không bị người đồng hành khó tính là lạm phát kìm hãm; thậm chí tạo nên những bất cập khó lường.

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.