.

Khen nhà báo

Mấy ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao chuyện “tẩy trứng gà Trung Quốc thành trứng gà ta” tại làng Đông Ngàn (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội). Sự việc được phanh phui trên báo chí nhờ các nhà báo khéo léo “xã hội hóa” để tác nghiệp một cách chặt chẽ, chi tiết, mang tính thuyết phục cao. Bạn đọc khắp nơi gửi ý kiến thể hiện sự phẫn nộ về cách thu lợi bất chính, nhẫn tâm của hoạt động tẩy trứng, đồng thời qua đó khen ngợi, đề cao vai trò của nhà báo.

 Thật ra, việc phát hiện, phản ánh chuyện “tẩy trứng” cũng được xem là bình thường trong vô vàn công việc thường nhật không kém phần gian khổ, vất vả, thậm chí hiểm nguy đối với những người làm nghề báo khi đồng hành với muôn nẻo cuộc sống…

Nói điều ấy không phải phủ nhận công sức của báo chí, mà qua đó nhận thấy một “lỗ hổng lớn” trong công tác phát hiện, xử lý các vi phạm ATVSTP của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Nhà báo thực hiện phóng sự này mô tả: đều đặn mỗi ngày có từ 10-15 chuyến xe tải chở trứng gà TQ về làng. Mỗi chiếc xe tải chở 10 vạn trứng, nghĩa là có khoảng 1-1,5 triệu trứng về làng/ngày. Đó là còn chưa tính đến một lượng đáng kể xe máy cũng tham gia vận chuyển trứng vào-ra.

Và rồi, cũng ngần ấy trứng sau các công đoạn tẩy rửa, hô biến thành trứng gà ta lại được chở ra khỏi làng, đưa sang thị trường tiêu thụ. Việc sử dụng a-xít tẩy trứng rất độc hại, được xem là hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, thế nhưng sự việc diễn ra nhiều năm liền vẫn không bị phát hiện, ngăn chặn. Một bạn đọc bức xúc: “Báo chí dạo này đưa tin rất nhiều về ATVSTP, tất cả những gì phơi bày trên mặt báo cho thấy đều là tình trạng vi phạm nghiêm trọng. Tại sao phải đợi đến khi nhà báo đưa tin thì thiên hạ mới biết? Chính quyền sở tại ở đâu? Cơ quan chức năng đang làm gì?”. 

Đã nhận thấy sự bàng quan, thậm chí vô trách nhiệm của chính quyền một số địa phương cấp cơ sở cũng như cơ quan quản lý VSATTP trong việc xử lý những vi phạm. Chính sự thờ ơ của họ đã tạo điều kiện cho sai phạm nối tiếp sai phạm mà hậu quả của nó, thật xót xa khi phải quy kết rằng có thể đầu độc dần dần số đông người tiêu dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng cho cộng đồng! Riêng chuyện “tẩy trứng”, mọi việc chưa đến hồi kết khi chưa có kết luận và hướng xử lý rốt ráo của cơ quan có thẩm quyền. Sẽ ra sao nếu những nội dung báo chí phản ánh sẽ rơi vào im lặng, cơ quan chức năng đủng đa đủng đỉnh, vi phạm về ATVSTP vẫn nối tiếp vi phạm? 

Trong khi chờ đợi sự thay đổi thái độ nhìn nhận cũng như cách hành xử nghiêm túc, kịp thời của những người có trách nhiệm về việc ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP, hoạt động tác nghiệp trên lĩnh vực này của báo chí cần được phát huy và nhân rộng. Đánh trúng, đánh đúng vào các điểm vi phạm về ATVSTP, báo chí sẽ làm được một công việc lớn lao, đang được xã hội nể trọng: đó là góp phần bảo vệ  sức khỏe cho nhân dân dân, cuộc sống an lành của mỗi gia đình và sâu xa hơn là bảo vệ cả giống nòi Việt Nam!

HẢI HÀ

;
.
.
.
.
.