.

Khi bão qua đi...

Cơn bão số 9 (tên quốc tế là Ketsana) đã gây nên những tổn thất rất lớn cho Đà Nẵng nói riêng, nhân dân miền Trung nói chung. Khắc phục hậu quả, đưa cuộc sống trở lại với nhịp độ bình thường càng nhanh càng tốt; đồng thời vượt qua khó khăn để vững vàng hơn, phát triển mạnh mẽ hơn là nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố.

Chúng ta có quyền tự hào rằng, nhờ sự chuẩn bị chu đáo, ý thức đủ và đúng về tác hại do thiên tai gây ra, thành phố đã làm  những gì tốt nhất có thể để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. So với cơn bão Xangsane hồi năm 2006, bão Ketsana không hề yếu hơn, thậm chí, diện và mức độ tàn phá của nó còn rộng hơn, mạnh hơn.

Chính vì thế, mặc dù vẫn có thiệt hại về người – những tổn thất thật đáng tiếc, nhưng nhìn chung, cách “chống bão như chống giặc” vừa qua là thể hiện tinh thần chủ động, kịp thời của thành phố. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực của quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an..., phải thấy rằng ý thức của người dân được nâng cao lên rất nhiều, nên đã hạn chế được thiệt hại do bão, lũ gây ra. Nếu không có tinh thần trách nhiệm cao và ý thức tốt của nhân dân, không thể trong mấy chục giờ đồng hồ, chúng ta sơ tán được 33.000 người một cách an toàn tuyệt đối.

Khi cơn bão qua đi, chúng ta lại bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn, thử thách nặng nề. Yêu cầu đầu tiên là phải ổn định đời sống cho những gia đình mà nhà cửa bị sập, đổ, tốc mái,  những gia đình còn bị ngâm trong nước lụt dài ngày. Các ngành, các địa phương cần tập trung cứu trợ kịp thời, không để người dân nào đứt bữa. Cần quản lý chặt chẽ giá cả, đặc biệt là giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh. Công tác vệ sinh phòng dịch cần được tăng cường, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập lụt lâu ngày. Sau bão lũ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là khó lường, nhất là khi cúm A/H1N1 đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Kiểm soát dịch bệnh này là điều không dễ dàng.

Mạng lưới điện cần phải khôi phục nhanh để bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Mạng lưới giao thông phải được sửa sang – có thể làm lại theo nguyên tắc chịu được bão. Chẳng hạn, một trong những con đường dài, rộng và đẹp nhất cả nước không thể tiếp tục chỉ được sửa như cũ mà phải thay đổi phương thức, cách làm. Tại sao không thể thay bờ kè đá – xi măng bằng một con đê nhỏ bằng bê tông cốt thép để vừa không hư hại vừa ngăn được triều cường một cách lâu dài? Đó là cách tốt nhất để người Đà Nẵng yên tâm với con đường gắn liền với một tư duy mới trước vận hội mới:

Nhìn ra biển lớn và học hỏi, hội nhập để phát triển. Sau bão, hàng ngàn người dân Đà Nẵng, Quảng Nam… đang gặp khó khăn. Sự hỗ trợ dù ít nhưng kịp thời là rất cần thiết. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chúng ta hãy kịp thời chia sẻ với những người bị nạn bằng những hành động thiết thực, kịp thời. Rút kinh nghiệm những lần trước, nhiều khi hàng hóa cứu trợ đến với người dân nhiều tháng sau hoặc chỉ đến với cách thức tượng trưng. Đà Nẵng cần phải làm tốt hơn, nhất định phải tốt hơn.

Khó khăn do “trời sinh ra” là để thử thách ý chí và thể hiện bản lĩnh của con người. Ngọn nến chịu được gió luôn là sự rực cháy mạnh mẽ. Người Đà Nẵng sẽ càng đoàn kết chặt chẽ hơn, đồng thuận một lòng, hiểu biết hơn.
 
Con đường đi tới của thành phố cho chúng ta “quyền” để khẳng định rằng những nỗi đau, mất mát, tổn thất sẽ được bù đắp bằng sự cố gắng, nỗ lực của tất cả mọi người. Chỉ có như thế mới chứng tỏ được rằng không một sự hủy hoại nào từ thiên tai lại khuất phục được sức mạnh của con người…

ĐINH  QUÝ

;
.
.
.
.
.