Đọc bài báo “Màu áo xanh tình nguyện và thông điệp mới” của Tiểu Yến (Báo Đà Nẵng Cuối tuần, 18-10-2009), người đọc chắc hẳn sẽ “ngộ” ra một điều: Sinh viên - những con người trẻ trung, giàu có về tri thức và sự nhiệt tình nhưng lại nghèo nhất về “của cải” cùng chung tay, trực tiếp và trách nhiệm chăm lo cho 908 hộ gia đình nghèo khó nhất!
Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện đẹp nhất, ấn tượng nhất mà Thành Đoàn Đà Nẵng đã đi đầu trên cả nước về một phong cách hoạt động mới, vừa thiết thực, vừa đượm chất nhân văn. Mỗi cơ sở Đoàn công chức hay sinh viên, đều được giao địa chỉ cụ thể để chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên cho những người nghèo già yếu, cô đơn hoặc hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Như thế, những hoạt động theo cách “phong trào”, chung chung không còn chỗ đứng nữa. Nhờ việc cụ thể hóa và thiết thực hóa như thế, mối quan hệ giữa người dân nghèo già yếu và trí thức trẻ trung trong từng khu phố, từng ngõ xóm trở nên gần gũi và hiệu quả hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, Đoàn Trường ĐHBK được giao chăm sóc bà Trần Thị Phượng (1920) ở đường Lý Thường Kiệt, phường Thạch Thang; Đoàn Truờng Cao đẳng Công nghệ thông tin chăm lo cho gia đình bà Nguyễn Thị Chữ… Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên; các đoàn viên thanh niên đã thực hiện ngay những công việc cần thiết mà người già nghèo khó cần - ví như mới đây, các sinh viên Trường ĐHBK đã lợp lại mái nhà cho bà Phượng. Những hoạt động ấy của Thành Đoàn Đà Nẵng thật đáng trân trọng bởi đầm ấm tình người.
Có thể hình dung “những đoạn phim mới” đang được thực hiện rất đa dạng về hoạt động Đoàn - người nghèo ở Đà Nẵng bây giờ. Đến với những người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh viên sẽ hiểu biết đầy đủ hơn về sự vất vả của cuộc đời; thông cảm và tự thấy mình có trách nhiệm hơn trong học tập, hoạt động xã hội.
Thay vì học những bài học lý thuyết về nghĩa cử, đạo đức; giờ đây, chính cuộc sống của những mảnh đời cơ cực ấy đã trở thành những bài học dễ nhớ và thuyết phục. Mặt khác, màu xanh của những chiếc áo tình nguyện chắc chắn sẽ đem tới một không khí mới cho cuộc sống hôm nay. Đó như là dấu gạch nối của hôm qua - ngày mai, cuộc sống - hiểu biết, bổn phận - tình người…
Mới đây (8-10-2009), khi hỏi chuyện một cán bộ còn rất trẻ của Thành Đoàn Đà Nẵng - chị Nguyễn Thu Hiền, về công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra, người viết bài này đã bất ngờ khi Thu Hiền mỉm cười ý nhị nói: “Mỗi ngày, hàng trăm đoàn viên, thanh niên ra bờ biển để thu dọn rác do sóng biển tấp vào. Dọn vừa xong bãi biển lại thêm đợt rác mới, cứ thế… Hình như biển cả muốn thử thách sức trẻ. Tụi em không nản đâu…”.
Đó dường như là quy luật của muôn đời. Người nghèo cần lắm sự quan tâm, chăm sóc của xã hội. “Công việc” chăm lo cho người nghèo cũng tương tự như để làm giàu hơn cái đẹp cho biển cả, cuộc đời. Nó không thể chỉ làm trong ngày một, ngày hai. Chợt nhớ, cách đây 60 năm (1928-1929), Nguyễn Ái Quốc phát động phong trào “vô sản hóa”, đưa những hội viên của tổ chức Thanh Niên về với xưởng máy, hầm mỏ, đồn điền… Nhờ vậy, sau một năm, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ chỗ chỉ có 300 hội viên đã tăng lên 1.700 người trên cả nước.
Thực tế cuộc sống luôn là người thầy giỏi cho sự học hỏi, đồng cảm về đạo đức, tri thức. Người nghèo già yếu trong xã hội sợ nhất là sự cô đơn, mặc cảm về việc xã hội bỏ rơi (!). Những đoàn viên thanh niên Đà Nẵng hôm nay có quyền tự hào rằng những việc làm giản dị của mình đã và đang đem đến rất nhiều những nụ cười hạnh phúc, sẻ chia bởi không có ai cô đơn trong một đất nước chan chứa ân tình…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Một phong trào nhiều ý nghĩa
Thứ Hai, 26/10/2009, 08:43 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.