Nếu chú ý quan sát thị trường tiền tệ sẽ dễ dàng nhận ra tình hình các ngân hàng thương mại đang tập trung khuyến mãi với nhiều chiêu thức hấp dẫn, đặc biệt lãi suất huy động liên tục bị đẩy lên vượt ngưỡng 10%/năm, sát với trần lãi suất cho vay.
Trong khi khách hàng đi vay hiện phải đối mặt với khá nhiều trở ngại do một số ngân hàng buộc phải hạn chế tăng trưởng tín dụng theo chỉ thị của NHNN, trừ một số khách hàng truyền thống, còn lại nếu là khách hàng mới thì việc vay mượn lại càng khó khăn hơn. Trường hợp muốn vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận cũng không dễ nếu ngân hàng không còn nguồn để bán, mặt khác hiện nay hầu hết các ngân hàng đang triển khai chính sách sàng lọc đối tượng vay khắt khe hơn nhằm bảo đảm an toàn vốn.
Từ nay đến cuối năm, tình trạng khan hiếm vốn được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong khi nhu cầu dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng lên, tình hình này đã gián tiếp gây nhiều tác động tiêu cực kích thích sự nở rộ thị trường “tín dụng đen”, hậu quả là người vay nóng phải gồng gánh mức lãi cao gấp nhiều lần so với thị trường tín dụng có tổ chức.
Tình trạng bất cân xứng trên thị trường tiền tệ, trong đó vị thế giữa người mua và người bán hiện đang chênh lệch nhau quá lớn, là chỉ dấu quan trọng cho thấy quan hệ cung cầu vốn đang nổi lên những vấn đề khúc mắc cần được nghiên cứu giải quyết.
Một trong những “nút thắt cơ bản” hiện nay là mức lãi suất cho vay thông thường được ấn định trần bằng 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Chính sách này giúp “neo giá vốn” ở mức độ phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế trong tình thế khủng hoảng, cộng hưởng với chủ trương hỗ trợ 4%/năm, mức lãi suất vay trở nên rất thấp và hấp dẫn khiến cầu tín dụng tăng mạnh. Không khó để dự báo tiến trình bành trướng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh, ít nhất là cho đến cuối năm 2009 khi Quyết định 131 về hỗ trợ lãi suất vay ngắn hạn hết hiệu lực thi hành, mặc dù NHNN đã nhiều lần khẳng định tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay không thể vượt quá 30% (?).
Tình hình này đã làm nảy sinh một số nghịch lý mà tự bản thân thị trường tiền tệ không thể tự giải quyết :
1) Nhu cầu tín dụng tăng, kéo theo cung cần vốn căng thẳng, nhưng điều này không có nghĩa rằng sản xuất kinh doanh đã phục hồi mạnh và có cơ hội hấp thụ nhiều vốn, mà thực sự đang có một bộ phận vốn bị hút vào những “nhu cầu ảo” do tác động tự nhiên của cơ chế lãi suất thấp. Trong điều kiện thị trường nhà đất chưa ổn định, nhân tố đầu cơ còn nặng nề, sức hút từ thị trường chứng khoán và sàn vàng đang dâng lên hàng ngày thì chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều rủi ro về sự chu chuyển của các dòng tiền, người vay sẵn sàng tận dụng mọi kẽ hở nếu có thể để đẩy nhanh vòng quay vốn, kể cả nguy cơ sử dụng sai mục đích.
2) Nếu so sánh chỉ số lạm phát 9 tháng và cả năm 2009 (dự kiến không quá 7%) lãi suất huy động hiện thực dương khá lớn nhưng vẫn có xu thế tăng, biểu hiện này cho thấy áp lực tăng lãi suất phần lớn xuất phát từ tổng cầu tín dụng (kể cả phần thực và ảo) đang gia tăng chứ không hẳn xuất phát từ quan hệ cung - cầu vốn thực sự cần thiết.
Nhiều ý kiến băn khoăn về tính chuyên nghiệp trong hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện nay, động thái mở rộng ồ ạt mạng lưới chi nhánh và các loại dịch vụ sinh lời ngắn hạn (Chứng khoán, sàn vàng... ) không đi đôi với tiềm lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro và đầu tư công nghệ chính vì vậy đã làm phát sinh thêm nhiều sự cạnh tranh thiếu lành mạnh làm phức tạp thêm thị trường tiền tệ, nhất là trong lĩnh vực lãi suất huy động và cho vay.
Cơ chế điều hành lãi suất cơ bản như hiện nay trước mắt duy trì được tính ổn định nhất thời trên thị trường tiền tệ, tuy nhiên về lâu dài sẽ không hóa giải được những mâu thuẫn nảy sinh, tính linh hoạt của lãi suất thị trường trong vai trò là “bộ lọc”, là công cụ chính để điều tiết cung cầu vốn gần như bị tước bỏ. Để tháo gỡ dần những nút thắt trên thị trường tiền tệ, việc đầu tiên nên làm là chấm dứt đúng thời hạn cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn, qua đó giảm áp lực gia tăng nhu cầu vốn, giúp thị trường bớt biến dạng, đi vào vận hành hoàn hảo hơn.
Nhanh chóng phục hồi các điều kiện kinh tế vĩ mô theo hướng bình ổn để sớm quay trở lại cơ chế điều hành theo lãi suất thỏa thuận, bởi vì cơ chế này đã từng được áp dụng trong suốt thời kỳ từ tháng 5-2002 đến giữa năm 2008 đã chứng tỏ là có hiệu quả, phù hợp với thị trường, và giúp phân bổ cung cầu vốn theo hướng tối ưu cho nền kinh tế.
TÂM DÂN
.
.
Những nút thắt trong thị trường tín dụng
Thứ Tư, 28/10/2009, 07:48 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.