.

Phòng dịch, bệnh sau bão, lũ

Bão lũ là tác nhân gây ra những thảm họa chết chóc, nghèo đói và bệnh tật. Những ngày qua, thông tin thiệt hại về người và của, những khó khăn mà nhân dân vùng bão lũ phải đương đầu được đăng tải đậm đặc trên tất cả các báo. Một cuộc chiến cũng không kém phần nguy hiểm và quyết liệt: Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh sau bão -  cũng cần được đề cập một cách đầy đủ.

Bão lũ đi qua, môi trường sống bị tàn phá một cách nặng nề. Nguồn nước từ thượng nguồn đổ về mang theo cơ man nào là bùn đất, rác rến. Khắp nơi từ thôn xóm đến các ngõ phố đều đầy ắp rác, hàng ngàn giếng nước dùng sinh hoạt bị ngập sâu trong lũ. Không ít người phải ngâm mình nhiều ngày trong lũ để mưu sinh, cuộc sống vừa thiếu thốn, vừa mất vệ sinh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng nông thôn trong và sau lũ; môi trường bị ô nhiễm nặng do xác động vật, cây cối ngâm lâu ngày trong nước bị thối rữa. Đây là “mảnh đất” tốt cho các loại dịch bệnh sinh sôi, nẩy nở.

Và trên thực tế, nhiều loại bệnh đã xuất hiện trên địa bàn thành phố: đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, các bệnh ngoài da, trong đó phổ biến là nước ăn chân. Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 300 ca phải nhập viện. Số người nhiễm bệnh tự mua thuốc điều trị chắc chắn cao hơn rất nhiều.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, trước khi bão đến, Sở Y tế đã cấp cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, Trạm Y tế các xã, phường 147 cơ số thuốc và hóa chất. Sau khi bão tan, mặc dù còn mang trên mình nhiều thương tích do bão  lũ gây ra (nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại nặng, tính sơ bộ lên tới trên 1,7 tỷ đồng, gia đình nhiều thầy thuốc bị sập, tốc mái), nhưng các bác sĩ, y tá làm nhiệm vụ phòng, chống vẫn tập trung cao độ mọi nỗ lực cho công tác phòng dịch.
 
Với tinh thần “Nước rút đến đâu, xử lý môi trường ngay đến đó”, các địa phương đã tiến hành xử lý môi trường như phun thuốc khử trùng, tẩy uế ở những nơi ô nhiễm; xử lý kịp thời nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho nhân dân.

Theo thống kê của ngành, đến nay toàn thành phố đã xử lý 16.694 trong tổng số 17.210 giếng nước bị ngập lụt thuộc các quận, huyện: Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang; cung cấp cho các địa phương hơn 190.000 viên cloramin B, 215 kg Cloramin bột. Công tác xử lý môi trường vẫn đang được tập trung với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, Trung tâm quốc gia Nước sạch-Vệ sinh môi trường và Bộ Y tế. Theo ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, thành phố Đà Nẵng đang đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung 2.000 kg Cloramin bột và 500.000 viên Cloramin B.

Cùng với nỗ lực của ngành Y tế, các địa phương, các đơn vị quân đội, công an, thanh niên, môi trường... đã huy động lực lượng tập trung dọn vệ sinh, thu gom rác, rửa bùn đất, tiêu nước những nơi úng ngập. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, đến ngày 2 tháng 10, về cơ bản các khu vực dân cư đã được dọn sạch. Tuy vậy, do lượng rác trong trận bão số 9 quá lớn, nhiều khu vực, đặc biệt là  các bãi biển, công việc thu dọn vẫn còn ngổn ngang.

Dù xuất hiện nhiều thứ bệnh, nhưng điều đáng mừng là trên địa bàn thành phố chưa xảy ra dịch. Ông Nguyễn Út cho biết, ngành Y tế đang kiểm soát được tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn. Kết quả khả quan của công tác phòng chống dịch bệnh sau  bão lũ có thể rút ra một bài học thực tế: Lường trước diễn biến của tình hình, có kế hoạch chủ động đối phó cụ thể,  bám sát tình hình thực tế sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

MINH LONG

;
.
.
.
.
.