.

Rộng khắp hơn và thiết thực hơn!

Ngày 17-10 hằng năm là ngày người dân cả nước chung tay, góp sức để lo cho người nghèo. Truyền thống này có từ xa xưa gắn liền với những thành ngữ đậm ấm tình người: Tối lửa tắt đèn, Chị ngã em nâng, Một miếng khi đói bằng cả gói khi no, Bầu ơi thương lấy bí cùng… Tuy nhiên, chỉ từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến một tính chất mới, một tinh thần mới với lời kêu gọi thiết thực, cấp bách: “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”…

Người nghèo trong xã hội thì ở đâu, thời nào cũng có. Riêng ở nước ta, do đặc thù chiến tranh liên miên, thiên tai nhiều, nền kinh tế tiểu nông chưa được dứt bỏ về tư duy, tiềm thức nên hậu quả và hệ lụy của cái nghèo, nỗi nghèo vẫn còn dai dẳng, ngấm sâu. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã cố gắng rất nhiều để Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh nhất; hiện nay vẫn còn hàng triệu người thuộc diện nghèo. Đặc biệt, miền Trung là khu vực khó khăn nhất, nhiều người nghèo nhất so với cả nước.

Các quan niệm về “chuẩn nghèo” cho đến nay vẫn chưa đồng nhất. Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH vừa dự thảo ban hành chuẩn nghèo mới; theo đó, trong giai đoạn từ 2011-2015, khu vực nông thôn có thu nhập đến 350.000 đồng/người/tháng và thành thị là 450.000 đồng, sẽ được coi là người nghèo. Trong khi đó, mức chuẩn chung của thế giới là dưới 2USD - tương đương 1.000.000 đồng/người/tháng! Như vậy, nếu so với chuẩn cũ, cả nước có 13% người nghèo, so với chuẩn mới là 20%; còn so với chuẩn do LHQ đưa ra,  con số sẽ là 35%(!)

Dù là tính theo cách nào đi nữa thì người nghèo vẫn còn rất đông. Vấn đề là chăm lo như thế nào để thay đổi bức tranh có nhiều gam màu chưa sáng đó? Trước hết, chăm lo cho người nghèo phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Không chỉ có một ngày mà phải liên tục, đồng đều trong suốt 365 ngày, mỗi người đều nên ý thức đủ rằng mình phải làm một cái gì đó vì người nghèo.

Thứ hai, cần phải chăm lo một cách thiết thực. Một vài chục kg gạo hay một thùng mì tôm cứu trợ khi bão lụt là cần thiết nhưng nó chỉ giải quyết được khó khăn chốc lát, còn xét về lâu dài thì phải lo công ăn việc làm cho người nghèo, lo đầu ra cho sản phẩm của nông dân, công nhân một cách thiết thực và hiệu quả thì đó mới là con đường xóa nghèo bền vững, tốt đẹp nhất.

Thứ ba, các cơ quan chính quyền cần phải ý thức được rằng rất nhiều khi những chính sách, biện pháp do mình đưa ra, vì không tính đủ đến các hậu quả và hệ lụy nên vô hình trung đã làm ảnh hưởng đến người nghèo. Chẳng hạn, dẹp hàng rong, buôn bán vỉa hè nhưng không tìm con đường kiếm sống cho hàng rong, buôn bán vỉa hè thì càng làm cho cái nghèo day dứt hơn. Một dẫn chứng khác là chúng ta dẹp xe công nông nhưng thử hỏi tìm đâu ra loại xe nào có thể thay thế tốt hơn, rẻ hơn, tiện lợi hơn công nông trên đồng ruộng? Người nông dân không thể thuê ô-tô chạy xăng chở phân, chở lúa và vì thế họ chỉ có gánh mà thôi, cực nhọc hơn, năng suất thấp hơn, càng nghèo hơn…

Đà Nẵng trong thời gian qua là một trong những điểm sáng về công tác giải quyết việc làm cho người nghèo - kể cả người tàn tật. Nhưng những cố gắng ấy chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Nỗ lực hơn, toàn diện hơn là nhiệm vụ trước mắt của chúng ta.

Một  xã hội càng ít người nghèo thì càng tốt đẹp. Giảm nghèo là bổn phận của lòng nhân, là trách nhiệm hướng tới ổn định bền vững và, là mục đích gần mà xã hội ta phải hướng tới. Những động viên chung chung, thiếu thiết thực và hiệu quả, không đến trực tiếp với người nghèo để thay đổi thực sự cuộc sống của họ, có nghĩa là vẫn còn lắm đói nghèo.

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.