Tại buổi giao lưu trực tuyến ở hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhân buổi gặp mặt truyền thống kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2009), 10 năm “Ngày Dân vận cả nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh rằng “Dân vận là sức mạnh bảo vệ đất nước”!
Công tác dân vận có thể được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất của Đảng ta. Đây là một chân lý giản dị: Từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến sự hiểu biết, đồng thuận, hành động thống nhất của hàng triệu người dân là một con đường rất dài. Người dân, dù ở đâu, sống trong bất kỳ thời đại nào cũng có đặc điểm chung là: Đa dạng về nghề nghiệp, không đồng đều về mặt nhận thức, phức tạp - khó đồng thuận về mặt tư tưởng, tính năng động của “bài toán số đông” luôn là ẩn số khó khăn, và sự tiềm tàng của một bộ phận cư dân bị kẻ xấu lợi dụng là không thể tránh được.
Chính vì những đặc điểm trên, người cán bộ làm công tác dân vận là những người vừa gánh vác trách nhiệm nặng nề lại vừa phải có kiến thức xã hội vững vàng, có trái tim tận tụy, nhiệt huyết. Để cho công tác dân vận thu được kết quả tốt đẹp nhằm tạo nên sức mạnh vững chắc của toàn Đảng, toàn dân, công tác dân vận cần rất nhiều nhân tố.
Thứ nhất là tính kiên trì, nhẫn nại, chịu lắng nghe, biết cách để lắng nghe tiếng nói của quần chúng. Từ đó mới có thể giải thích cho dân hiểu, dân tin. Cách đây đúng 60 năm, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rằng: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được” (HCM, TT, T.5, tr. 698- nhấn mạnh trong nguyên bản).
Thứ hai, cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận là của “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân…” (sđd, tr.699). Đây là điều mà đọc lại ta bỗng thấy giật mình(!). Lâu nay, dường như đa số cán bộ đều cho rằng việc giải thích, động viên người dân là công việc của một số “cơ quan chức năng” như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ… Chính vì thế, dù người dân không hiểu, không rõ nhưng tìm cho đến nơi, hỏi cho đến chốn một cán bộ có trách nhiệm là điều không hề dễ dàng. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng dân vận chưa thực sự có hiệu quả lâu nay.
Thứ ba, Bác Hồ cũng nhắc nhở rằng “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Lại một lần nữa ta phải giật mình vì dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nói chuyện của… ngày hôm nay! Rất nhiều cán bộ sau khi lên làm lãnh đạo đã trở thành quan cách mạng, xa dân, không hiểu dân; công việc chỉ nặng về lý thuyết, hô hào khẩu hiệu, thiếu thực chất. Rõ ràng, không thể nào vận động được quần chúng, không thể nào tập hợp được sức mạnh toàn dân nếu đến và hiểu dân theo cách nửa vời, quan liêu ấy.
60 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ viết bài báo đầu tiên bàn riêng về công tác dân vận, đọc và ngẫm kỹ chúng ta càng hiểu rõ hơn vì sao ngày ấy, thời ấy, nghèo nàn và cơ cực như thế mà kháng chiến vẫn thành công. Thời nay, vì sao đời sống đã khá hơn trước nhiều lần, trình độ dân trí cao hơn nhưng sự không hiểu biết của người dân đối với Đảng và Nhà nước lại lớn hơn? Thực ra, chúng ta không hiểu là bởi vì không chịu hiểu lời căn dặn của Người(!): “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (Sđd, tr. 700).
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Sức mạnh từ lòng dân
Thứ Năm, 15/10/2009, 07:47 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.