.

“Tự nguyện” và lạm thu

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh vừa ký công văn yêu cầu các trường học đã thu sai quá quy định các khoản đóng góp “tự nguyện” phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh (1-10-2009).Đầu năm học mới, trong cái náo nức của hàng vạn trẻ em lần đầu tiên được cắp sách đến trường, không ít trường học trên cả nước đã “chung vui” bằng cách kêu gọi phụ huynh “tự nguyện” đóng góp để cho trường lớp đẹp hơn, nụ cười của thầy cô tươi hơn; và, tất nhiên, con em họ (những người “biết tự nguyện”) được chăm sóc chu đáo hơn!

Nghèo nhất như Quảng Trị mà có trường mầm non phải đóng góp trên 4 triệu đồng; có trường ở Hà Nội thu 23 khoản, chỉ có 1 khoản hợp lý(!). Đáng ngạc nhiên là ở Quế Phong (Nghệ An), gần 600 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo đã bị ăn chặn… Con số “ấn tượng” phiền lòng nhất: Tính riêng ở TP. Hồ Chí Minh, giá cả trong nhóm hàng hóa liên quan đến chuyện học hành tăng đến 13,34% (Vietnamnet, 20-9-2009), đủ để biết phụ huynh tất cả các cấp phải “tự nguyện” đóng góp đến cỡ nào(!)

Riêng ở Đà Nẵng, chỉ mới điều tra sơ bộ, báo chí đã cho biết có hàng trăm kiểu thu và phụ huynh phải cắn răng lại mà “tự nguyện”! Chẳng hạn, Trường tiểu học Phan Thanh thu phí vệ sinh 10.000 đồng, trong khi quy định của thành phố là 5.000 đồng. Cũng là mua ghế ngồi để học sinh dự tiết chào cờ buổi sáng nhưng Trường THPT Nguyễn Hiền thu 17.000 đồng, THCS Lương Thế Vinh thu 22.000 đồng, Trường THPT Trần Phú là 25.000 đồng, Trường THPT Nguyễn Trãi là 28.000 đồng (Vietnamnet, 23-9-2009). Đặc biệt, phụ huynh của Trường tiểu học Trần Cao Vân phải đóng 15 triệu đồng (mỗi lớp) để trang bị máy vi tính xách tay và màn hình 42 inches cho giáo viên giảng Powerpoint(!)?...

Những hậu quả hữu hình và vô hình của vấn nạn trên có nhiều lắm. Trước hết, phụ huynh hiểu rằng chuyện của nhà trường (việc công) mà còn như thế, “tự nguyện” cho thầy cô (riêng, cụ thể) là lẽ bình thường. Thứ hai, mầm non hay lớp một đã vậy thì “lo” cho con tiếp tục đi thì ít mà “chạy” thì nhiều trở thành phản xạ có điều kiện của toàn bộ hệ thống quan hệ phụ huynh - thầy cô.

Thứ ba, các phụ huynh giàu nghèo không đồng đều nên mức độ “tự nguyện” cũng chênh lệch nhau nhiều. “Lộ trình” của sự phân biệt đẳng cấp đã được xác định: Con cháu của những gia đình giàu có, “tự nguyện” nhiều, mãi được ưu tiên; còn con cái người nghèo (không thể hoặc đóng góp không đáng kể), lại cứ phải bước thấp bước cao hụt hẫng trong đời…

Vấn đề còn lại phải bàn là: Mặc dù công văn của Chủ tịch UBND thành phố đã ban ra nhưng liệu làm cách nào để thu hồi tiền khi ván đã thành thuyền - thậm chí là thuyền đã bị bão rồi? Mặt khác, chuyện lạm thu đầu năm học là một truyền thống buồn của ngành giáo dục nước ta, Đà Nẵng rất nên đi đầu để lập lại kỷ cương, phép tắc.

 Đừng để cho những phụ huynh nghèo phải đau đớn vì không thể “tự nguyện” đóng góp nhiều hơn, nên con cái mình bị khổ. Đừng để cho những đứa trẻ lần đầu tiên đến lớp đã hiểu ra rằng thì ra thầy cô đối xử với bạn A tốt hơn bạn B là vì bố mẹ của A giàu hơn. Làm sao học sinh không hỉểu sai về thầy cô khi cũng cái ghế nhựa đó, có nơi thu 17.000 đồng nhưng có nơi lại thu đến 28.000 đồng? Cần phải chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Chủ tịch thành phố để tạo ra một tiền lệ tốt cho năm sau và nhiều năm sau nữa…

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.