.

Xây dựng trong vùng bão lũ

Từ cuối quý 1-2009, tại TP. Đà Nẵng đã có 126 căn nhà được trao cho những phụ nữ nghèo bất hạnh tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, trị giá mỗi căn rộng 70m2 là 45 triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng:

“Về lâu dài, chủ trương TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng những dãy phố tương tự để hỗ trợ cho những đối tượng đặc biệt, nhằm biến chủ trương “có nhà ở” (thuộc chương trình 3 có của thành phố) thành hiện thực...”. Chỉ 6 tháng sau, ngay những trận gió đầu tiên của cơn bão số 9 tràn vào Đà Nẵng hôm 29-9, hàng chục căn nhà nêu trên đã bị tốc mái, tôn gỗ bay tứ tán. Những người chị, người mẹ bao năm lam lũ cơ cực lại lâm cảnh màn trời chiếu đất và đành theo chân các anh bộ đội sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão tới. 

Trong cơn bão số 9 và trận lụt lớn tiếp theo, nhiều trường học, công sở ở khắp các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng không chịu đựng được trước những trận gió cấp 9, cấp 10 và những dòng nước chảy xiết. Theo thống kê của tỉnh Quảng Trị, sau bão lụt trên địa bàn có hàng chục điểm trường học và 7 trụ sở bị tốc mái; tỉnh Đắk Lắk đã có gần 650 nhà dân, trường học, công sở bị sập, tốc mái.
 
Tại tỉnh Gia Lai, riêng huyện Chư Sê có hơn 30 điểm trường học và nhà sinh hoạt cộng đồng bị tốc mái... Tại Quảng Nam, các trường học ở các xã vùng A Đại Lộc, Duy Thành (Duy Xuyên), Điện Ngọc (Điện Bàn) đã bị sập hoặc tốc mái cùng với hàng chục trường mẫu giáo khác...

Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, ngay trong ngày 30-9, Ban Phòng chống lụt bão tỉnh đã cho biết, trong tổng số tài sản trị giá 200 tỷ đồng bị thiệt hại do bão số 9 gây ra, đã có 150 phòng học, 3 bệnh viện huyện, 2 chợ, 1 nhà văn hóa, 11 ngàn mét vuông nhà kho, 12 công trình văn hóa khác bị tốc mái, hư hỏng. Bờ kè ven biển dọc đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng là một minh chứng khác: Hàng trăm mét bê-tông kè và cả lề đường lát gạch đều không chịu được bão cấp 9 lẫn sóng biển trong trận bão vừa qua, mà theo một quan chức ngành giao thông-vận tải địa phương là do việc xây dựng con đường vào năm 2001 chưa có các trận bão lũ lớn (!?) hoặc do kinh phí!

Nêu ra những con số và các ví dụ còn nóng hổi đó để thấy rằng, không phải đến bây giờ, vấn đề chất lượng xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật lẫn công trình phúc lợi xã hội trong những vùng có bão lụt triền miền như khu vực miền Trung-Tây nguyên, tiêu chí chống chịu được bão lũ ở một cấp độ nào đó khi phê duyệt dự án cũng như nghiệm thu công trình đều chưa được đặt ra hoặc quan tâm đúng mức. Thậm chí nhiều công trình trường học, cầu đường vừa nghiệm thu xong, trong điều kiện thời tiết bình thường cũng đã có hiện tượng nứt, sụt và từng được phản ánh nhiều lần trên báo chí. 

Trở lại với những căn hộ của phụ nữ nghèo ở phường Hòa Minh nêu trên. Với vốn đầu tư 45 triệu đồng cho 70m2 xây dựng, có thể thấy ngay đơn vị đầu tư chỉ phải bỏ ra 640 ngàn đồng cho mỗi mét vuông. Đó là một định mức chi phí quá thấp dù chỉ là xây dựng nhà cấp 4 mà một tư nhân có thể tự bỏ vốn,  tự chạy vật tư và thuê thợ làm công nhật, huống chi đây là công trình giao thầu theo vốn Nhà nước!

Ngoài ra, nếu kể những khoản chi phí khác như lãi vay ngân hàng, chi phí lán trại, thiết kế phí, chi hành chính và cả... “tiêu cực phí” mà một công trình đầu tư công thường phải chịu, thì chắc chắn giá trị đầu tư thực cho một mét vuông sử dụng sẽ còn thấp hơn nhiều! Đầu tư thấp và thiếu các tiêu chuẩn cần thiết để tránh thiệt hại do thiên tai trong xây dựng đã dẫn đến những hệ lụy như đã thấy và ngân sách sẽ tiếp tục phải bỏ vào để sửa chữa! 

 Đến hẹn lại lên. Năm nào mà miền Trung-Tây Nguyên không gánh chịu cả chục trận bão lụt lớn nhỏ. Và do đó, trong các báo cáo thiệt hại đều có những hàng dài thống kê các công trình phúc lợi xã hội, trường học, hạ tầng giao thông, công sở  bị hư hại mà nhất định rồi ngân sách cũng lại tiếp tục đổ vào để bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt và học tập của người dân. Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy các công trình như thế bị ràng buộc thế nào về mặt kỹ thuật và độ bền vững trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên... 

Đó là một vấn đề không kém tính thời sự sau những nỗ lực cứu dân và ổn định cuộc sống sau bão lũ hiện nay.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.