Theo dõi kỳ họp Quốc hội này (phiên thảo luận ở Hội trường ngày 27-10-2009), và qua báo chí, tôi xin đề nghị được công khai, minh bạch hai việc sau đây:
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, phát biểu: “Chúng ta mua một con tàu trên 1.000 tỷ đồng để chở khách tuyến Quảng Ninh-thành phố Hồ Chí Minh, nhưng rồi không nhiều khách đi, chưa chạy được bao lâu tàu đã hỏng. Nay lại chuẩn bị mua tiếp chiếc nữa nên rất lãng phí” (Báo Đà Nẵng ngày 28-10-2009).
Khi phóng viên Báo Tuổi Trẻ hỏi ông Bộ trưởng Giao thông-Vận tải về vụ này, ông trả lời “Suy nghĩ của doanh nghiệp là có phần đúng nhưng đi vào chi tiết của việc đầu tư thì có nhiều vấn đề phải tiếp tục xử lý” (Tuổi trẻ 28-10-2009).
Trước đây ít lâu, Báo Tuổi Trẻ có bài nói con tàu này mua giá lúc đó là 60 triệu Euro, khoảng 1.300 tỷ đồng.
Vinashin - chủ đầu tư con tàu là một tập đoàn kinh tế Nhà nước, là sở hữu toàn dân. Tôi là một công dân Việt Nam, là một trong cộng đồng toàn dân đó, tôi đề nghị Vinashin công bố đầy đủ, chính xác:
1- Giá mua con tàu, bằng ngoại tệ nào? Phương thức thanh toán trả hết tất cả hay trả một phần, phần còn lại trả thế nào, lãi suất bao nhiêu, đến nay còn nợ bao nhiêu?
Cần tính vào giá mua tất cả những chi phí phát sinh trong quá trình chuẩn bị mua và thương thảo để mua, và cả chi phí đưa con tàu về Việt Nam để khai thác.
2- Bảng kê tất cả các khoản thu chi của con tàu từ khi đưa vào khai thác đến khi nằm ụ.
Như chi phí nhiên liệu, tiền lương, tiền công cho đội ngũ quan chức và thuyền viên, thợ máy, v.v... Chi phí cho các dịch vụ ra vào các cảng, v.v... và chi phí quảng cáo tiếp thị, chi phí bảo hiểm và cả chi phí sửa chữa bảo dưỡng không bỏ một khoản nào dù nhỏ.
Riêng tiền lương, tiền công thì có thể tính đến hết tháng 10-2009 vì tàu nằm ụ vẫn phải chi trả cho họ.
Về các khoản thu thì tổng hợp đầy đủ các khoản thu qua bán vé hành khách, hợp đồng vận tải hàng hóa và các khoản thu khác.
3- Trên cơ sở đối chiếu thu chi ấy, Vinashin báo cáo rõ hiệu quả kinh tế từ khi đưa tàu vào khai thác đến khi nằm ụ và dự kiến sẽ khai thác với hiệu quả như thế nào trong tương lai.
Ông Bộ trưởng còn nói đây là quyền của doanh nghiệp. Đúng là họ có quyền mua tàu nhưng họ phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn (không phải là của riêng họ mà là của toàn dân) và bảo đảm sinh lợi từ nguồn vốn ấy.
1.300 tỷ đồng có thể xây dựng được 65.000 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà 20 triệu đồng (chứ không phải là 8 - 10 triệu đồng như định mức của một số địa phương hiện nay cho việc xóa nhà dột nát cho người nghèo).
Ném tiền của dân qua cửa sổ, coi tiền của dân như vỏ hến và nếu họ không biết (hay không cần tính toán) để thua lỗ, làm nghèo đất nước thì dân có quyền gì? Xin hỏi ông Bộ trưởng.
Tôi nghĩ rằng, tôi cũng như mọi công dân khác có quyền được biết những thông tin trên. Và nếu Vinashin không đáp ứng hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác thì Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm vào cuộc.
Cũng trong những ngày qua, các báo đều loan tin với sự bức xúc về vụ Vedan được trao giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Dư luận lâu nay đã nói đến hiện tượng “lạm phát”, “bội thực” danh hiệu giải thưởng, có tiền là có giải và đến sự ăn chia của các cơ quan chủ trì tổ chức xét chọn tuyên dương.
Trong cuộc họp báo chiều 27-10-2009, tại Văn phòng Cơ quan đại diện Bộ Khoa học-Công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, trả lời câu hỏi của báo chí: Mỗi doanh nghiệp nộp 25 triệu đồng, 50 doanh nghiệp đoạt giải đã nộp hàng tỷ đồng, liệu có sự ăn chia gì chăng trong các đơn vị tổ chức giải, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương hiệu và chất lượng (NATUSI), tổ chức đứng ra tổ chức thực hiện việc xét thưởng đã nói: “Chưa đến 50 doanh nghiệp đoạt giải và không phải các doanh nghiệp đều nộp tiền như nhau. Có doanh nghiệp nộp cao hơn, nhưng số này không nhiều lắm” và khẳng định không có sự ăn chia ở đây.
Đây là một việc cần công khai, minh bạch và cũng dễ dàng công khai, minh bạch. Xin đề nghị NATUSI công khai quyết toán mọi khoản thu chi cho việc tổ chức bình chọn trao giải. Và để tránh mọi chuyện khuất tất như báo chí đang đăng tải, tránh việc làm quỷ thuật trên các chứng từ, đề nghị Bộ Khoa học-Công nghệ mời một đơn vị kiểm toán độc lập thẩm định lại báo cáo tài chính của NATUSI.
Chúng ta đã nói quá nhiều về công khai, minh bạch. Nhân hai vụ việc “nóng” được các đại biểu Quốc hội và dư luận cả nước quan tâm, xin hãy bắt tay vào làm, thực hiện công khai, minh bạch hai chuyện nêu trên.
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Xin được công khai, minh bạch
Thứ Sáu, 30/10/2009, 07:50 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.