.

Bao giờ sinh viên phản biện thầy?

Một trong những nỗi buồn của nghề dạy học là không thể kiểm tra để biết một cách đích thực là bài giảng của mình được sinh viên tiếp thu đến đâu? Thực ra, tôi chẳng có nhiều lắm niềm tin ở những lần thi học kỳ: Nơi ấy, ngày ấy; thi để “trôi” qua như nước chảy qua cầu, để nhận được học bổng hoặc không phải thi lại; là cuộc “đua” của những toan tính ngặt nghèo chứ không phải là cái có trong máu và tim, cái tự nguyện của hiến dâng cho vị thần có tên gọi là hiểu biết…

Chính vì thế, cứ đầu mỗi tiết học, bao giờ tôi cũng mở đầu bằng câu: Có ai hỏi gì không? 9/10 lần của sự thúc giục là sự “trả lời” từ những ánh mắt gần như trống rỗng, những gương mặt ngái ngủ hoặc vô hồn: Sự im lặng đáng sợ của chấp nhận và chịu đựng! Một nỗi xót xa và kèm theo đó là câu hỏi còn vô định hơn nữa: Tại sao?

Học để đối phó là cái căn nguyên đầu tiên của sự “không biết gì để hỏi”. Người ta chỉ hỏi khi đã cố tìm hiểu một cái gì đó hoặc nghi ngờ sự thiếu chân xác của điều thầy giảng nên hỏi cho rõ đồng thời test kiến thức của thầy. Người xưa dạy: “Bất phẫn, bất phát”. Nếu trong lòng, trong tâm trí của mình không còn sự thôi thúc của hoài nghi và chân lý thì sự tê liệt của nhận thức đã là câu trả lời không có đích đến của cuộc đời.

Điều tiếp theo là nỗi sợ. Cái đau đớn của nền giáo dục nước ta từ hàng trăm năm nay là nỗi ám ảnh dài lâu của sự thì thầm đầy đe dọa: “Trứng khôn hơn rận”! Mặt khác, nếu bất cứ một làn gió trái chiều, nghịch nhĩ nào cũng là bóng dáng của sự không vững vàng, “chịu ảnh hưởng từ các luồng gió độc hại”…; thì đến khi nào sinh viên mới dám lội ngược dòng? Chân lý cần đến sự kiểm định khắt khe.

Càng trải qua nhiều nghiệt ngã bao nhiêu thì “món quà” từ chân lý đích thực càng diệu tuyệt bấy nhiêu. Đó là nguyên tắc. Nhưng, ai là người có thể đem đến cho sinh viên sự an toàn, đảm bảo rằng không có bất kỳ hậu quả hay hệ lụy nào từ những câu hỏi “sai”, đa nghĩa, ẩn dụ nhiều chiều? Ngay cả thầy giáo cũng chưa chắc bảo vệ được cái đúng của chính mình thì làm sao sinh viên dám bộc lộ sự tự tin mơ hồ, đỏng đảnh?

Điều thứ ba. Sách để đọc, tiền để vào mạng, là cả một vấn đề nan giải. Nếu hiểu biết thu được sau một giờ ngồi với net trị giá bằng bữa ăn sáng, thì không chắc sinh viên nào cũng dám trả cho cái giá vừa thực vừa hư đó. Đấy là chưa nói đến chuyện những “tác nhân” của tò mò, của games đầy quyến rũ có thể lôi bất kỳ ai ra khỏi cái đường ray của mục đích để “ghé thăm” những cú sốc dễ dãi. Nếu trường đại học mà cái gì cũng được lượng hóa thành tiền thì tại sao sinh viên lại không? Nhất là khi ai cũng biết rằng, trong các ngành học như văn, sử, triết, công tác xã hội…; đa số là con em của những người nghèo.

Điều thứ tư. Mọi năng lực của con người chỉ được khơi dậy, phát tiết nếu có sự đồng bộ và liên tục của nhận thức. Nếu mỗi học kỳ học 10 môn. Hơn một nửa của số đó là đọc chép - không cần hỏi, đáp; thì tất nhiên, sự ù lì và buông xuôi là hiện thực rõ ràng của im lặng.

Thói quen – dù là chuyện học hay đi mua hàng, là yếu tố đầu tiên quyết định đến tâm lý của đòi hỏi “đầu vào”. Không tạo nên thói quen ấy thì triệt tiêu từ từ, hiệu quả sự phản kháng của nhận thức, sự tinh tế của tư duy, sự thẳng thắn của sáng tạo chỉ còn là ánh sáng ủ dột của thời gian mà thôi. Chẳng hạn, nếu thói quen nghi ngờ tất cả những điều thầy đã giảng trước khi gật đầu đồng ý (tất cả hay một phần) được xác lập, thì, cái sự hỏi, phải là chuyện của lẽ đương nhiên.

Điều thứ năm. Nền giáo dục chuẩn bị trước khi bước vào đại học đã áp đặt nguyên tắc chân lý từ sách giáo khoa (SGK); trong khi báo chí, những câu chuyện bên lề luôn nhấn mạnh ngược lại rằng SGK sai nhiều lắm – đã làm cho người học bị rối trí, không biết rõ cái sợi chỉ đầu tiên, mong manh, nhưng vô cùng quan trọng của nhận thức, phải bắt đầu từ đâu? Chẳng lẽ chúng ta lại cố công dạy cho học trò rằng khoa học bắt đầu từ sự im lặng? Nếu như thế thì cái mầm non của nhận thức sẽ nhanh chóng lụi tàn hoặc èo uột, bởi vì từ cái nền tảng của những sai lầm, không thể tạo nên sự thăng hoa của hiểu biết.

Tại sao người Việt ở Đức, ở Mỹ … học giỏi thế, thành công thế, mà ngay trên cái nền móng của hàng ngàn năm lịch sử lại ì ạch đến mức dại khờ? Triết lý giáo dục áp đặt nhận thức luôn tìm đến các khúc quanh trong khi trách nhiệm của người thầy là phải tìm ra con đường ngắn nhất. Hiểu biết hay tham gia giao thông cũng vậy thôi.
 
Đã bao giờ các thầy giáo, cô giáo tự hỏi rằng bất kỳ một khúc quanh bất cập nào của giáo dục cũng đồng nghĩa với sự tàn phá hay chưa? Nếu chúng ta đồng tình rằng sự im lặng của sinh viên trong hầu hết các trường đại học hiện nay là đáng sợ; thì, thay đổi và đột phá đồng bộ, tương tác hai chiều dạy - học - nhất định phải là việc của cái lẽ rất cần. Nếu được như thế, tin rằng người thầy sẽ lớn hơn rất nhiều, sinh viên sẽ trưởng thành lên rất nhiều từ sự thật: Bức tường ngăn cách giữa hai bên chỉ còn lại một vấn đề có tên gọi là chân lý, mà thôi.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.