Kể từ ngày 1-12-2009, toàn bộ các lãi suất chủ chốt của nền kinh tế do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ được điều chỉnh tăng, riêng lãi suất cơ bản tăng từ 7% lên 8%, tương ứng lãi suất trần cho vay tăng từ 10,5% lên 12%/năm.
Đặc biệt, chính sách điều hành tỷ giá có sự thay đổi lớn, theo đó biên độ tỷ giá thu hẹp từ 5% xuống 3%, tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng công bố trực tiếp lại tăng mạnh, cụ thể mức áp dụng cho ngày 26-11-2009 là 17.961 đồng, tăng 927 đồng so với ngày hôm trước, đã đẩy trần tỷ giá giao dịch lên 18.500 VNĐ/USD, gần tiệm cận với mức thị trường tự do. Các động thái nói trên dường như là sự phản ứng mạnh mẽ nhất của NHNN kể từ thời điểm ra tay ngăn chặn lạm phát bùng nổ vào đầu năm 2008, qua đó gửi đi thông điệp mới về những thay đổi cơ bản trong điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào thời kỳ khôi phục tăng trưởng.
Quyết định can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ lần này không chỉ nhằm mục đích hóa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nền kinh tế, sau khi triển khai một loạt chủ trương kích thích chống suy giảm, mà còn lường đón và đương đầu với những bất ổn tiềm tàng của thị trường tài chính thế giới. Trong bối cảnh đồng USD bị suy yếu kéo dài, giá vàng tăng vọt, nhiều quốc gia đua nhau gia tăng dự trữ vàng thay cho một số ngoại tệ mạnh... đã dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau, có tác động nhạy cảm về nhiều mặt đối với kinh tế nước ta, trực tiếp là thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất.
Sự kiện giá vàng Việt Nam đạt đỉnh cao kỷ lục 29,3 triệu đồng/lượng vào ngày 11-11-2009, và mãi đến hôm nay giá vàng vẫn tiếp tục biến động “phập phù” khó lường đoán, điều này không những kéo theo sự hỗn loạn nhất thời trên thị trường, cho thấy sức ảnh hưởng tiềm tàng của “nhân tố vàng”, đồng thời sẽ là phép thử quan trọng đối với năng lực điều hành của các nhà hoạch định chính sách trong thời gian đến.
Do tác động của chủ trương hỗ trợ lãi suất, nhu cầu tín dụng gia tăng mạnh, đặt hệ thống ngân hàng vào tình thế thực sự căng thẳng về nguồn vốn, thu hút vốn trở thành nhiệm vụ khó khả thi, nhất là trong điều kiện thị trường quá bấp bênh và lãi suất đầu ra bị khống chế chặt chẽ. Quyết định nâng lãi suất cơ bản lần này chính là giải pháp mang tính tổng hợp, góp phần tháo gỡ phần lớn những rào cản trên thị trường tiền tệ, tác động điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng, hệ thống ngân hàng sẽ có dư địa lãi suất linh hoạt hơn nhằm ứng phó có hiệu quả theo tín hiệu biến động của thị trường.
Cùng với việc điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá, có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất mà NHNN muốn gửi gắm thông qua các biện pháp can thiệp mạnh lần này đó là phải sử dụng những công cụ mang tính thị trường để điều hành chính nền kinh tế thị trường.
Bất luận mọi trường hợp, biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ cho dù với liều lượng nào đi nữa đều đòi hỏi phải cân nhắc tính toán, gắn chặt với ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục vượt qua suy thoái, giữ vững tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Tất nhiên, trong nhiều tình huống thực tiễn buộc phải quyết định lựa chọn giữa cái được, cái mất, điều quan trọng là tạo ra tâm lý đồng thuận cao trong toàn xã hội, hướng đến mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nếu không chúng ta sẽ không bảo vệ được những thành quả kinh tế đã đạt được, đồng thời đời sống nhân dân sẽ có nguy cơ đối mặt với nhiều khó khăn.
Ổn định vĩ mô còn là điều kiện tiên quyết để thiết lập hành lang thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển, thông qua đó thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
TÂM DÂN
.
.
Can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ
Thứ Sáu, 27/11/2009, 07:47 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.