.

Cuộc chiến hàng Tàu, nhãn ta

Dư luận hiện rất bức xúc trước tình trạng “phe ta đánh phe mình” đang diễn ra một cách công khai, phổ biến, thậm chí ngay tại các chợ đầu mối có cả một “hệ thống công nghệ” với đội quân đông đảo được bảo kê chỉ chuyên làm nhiệm vụ duy nhất: Nhập hàng từ Trung Quốc về, tháo nhãn, gắn thương hiệu Việt vào, sau đó tung ra thị trường để đánh lừa người tiêu dùng.

Gần như mọi thứ hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng đều có khả năng bị đánh tráo, nhưng hầu hết tập trung ở các loại hàng thiết yếu đến đời sống như dệt-may, thực phẩm, rau quả, công nghệ phẩm... Người tiêu dùng thực sự hoang mang, không rõ nguồn gốc hàng hóa đâu là giả, là thật, mức độ ô nhiễm độc hại, giá cả đắt rẻ ra sao...? Trong khi đó, các cơ quan chức năng gần như chưa có những giải pháp đồng bộ và hữu hiệu để ngăn chặn tình hình đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu.

Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực nói trên phần nào phản ánh những nỗ lực và thành công bước đầu của cuộc vận động lớn “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông qua đó đánh thức tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, khích lệ những nhà sản xuất, cổ vũ người tiêu dùng hướng đến mục tiêu tôn vinh giá trị thương hiệu hàng hóa Việt.

Điểm mấu chốt để đánh bật và đánh thắng hiện tượng “Hàng ta, nhãn Tàu” là phải không ngừng củng cố lòng tin yêu của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội, không đơn thuần chỉ giương cao khẩu hiệu, hô hào chung chung, mà cần tiến hành nhiều giải pháp hành chính và kinh tế, phù hợp với quy luật thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Về phía nhà sản xuất, phải có trách nhiệm vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất thiết phải làm chủ bằng được hai khâu quan trọng nhất: Mạng lưới phân phối và bảo hành chất lượng sản phẩm.
 
Một ví dụ thực tế khá nghịch lý, mặc dù rất ưa chuộng hàng dệt kim Đông Xuân (Hà Nội), tuy nhiên việc tìm đúng địa chỉ đáng tin cậy để mua sản phẩm này xem ra là việc rất khó khăn đối với người tiêu dùng Đà Nẵng. Hiện tượng này đã và đang diễn ra khá phổ biến với rất nhiều mặt hàng, sản phẩm có uy tín khác nhưng hầu như chưa được quan tâm khắc phục. Nhà nước cũng cần công bố rõ chính sách xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các thương nhân mở rộng các điểm giới thiệu sản phẩm, khuếch trương mạng lưới, đại lý tiêu thụ.

Cần đặc biệt quan tâm đến thị trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa bởi đây chính là khu vực dễ dàng bị thôn tính bởi cơn lốc hàng giả, hàng dỏm, hàng lậu giá rẻ; cần hạ quyết tâm trong vòng 5-10 năm đến hàng Việt phải vươn lên chiếm lĩnh thị phần gần như tuyệt đối tại các địa bàn quan trọng này. Về phía người tiêu dùng, họ chính là chủ thể quan trọng nhất, là yếu tố sống còn giúp cho các nhà sản xuất định hướng được chiến lược tiếp thị có hiệu quả nhằm chủ động giành phần thắng trên thương trường.

Thông qua thái độ ứng xử tiêu dùng hợp lý và tích cực, xây dựng thói quen ưu tiên mua sắm ở những nơi hàng hóa được bảo đảm thương hiệu và chất lượng, kiên quyết không tiếp tay hoặc chạy theo thị hiếu hàng hóa giá rẻ không rõ xuất xứ, góp phần hạn chế đi đến triệt tiêu các hành vi đánh tráo lừa dối người tiêu dùng.

Để hàng Việt có đủ khả năng chinh phục người tiêu dùng, đủ sức chi phối thị trường nội địa trước sự cạnh tranh lấn lướt của hàng ngoại, cần nhanh chóng nâng cao hiệu lực quản lý và điều hành chiến lược về chính sách phát triển thương mại có tầm cỡ quốc gia. Cần xem đây là chương trình tổng hợp trên giác độ vĩ mô chứ không đơn giản chỉ là công việc riêng ở từng địa phương, hoặc chỉ là câu chuyện giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 
Đẩy mạnh phối hợp bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ công tác giáo dục nhận thức, truyền thông tiếp thị, nâng cao hiệu lực quản lý xuất nhập khẩu, kiểm soát thị trường, trong đó đặc biệt là đề cao sức mạnh liên kết và hiệu quả cạnh tranh giữa các ngành nghề, giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, giữa từng địa phương với nhau, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn bộ nền kinh tế.       

 Thanh Thủy

;
.
.
.
.
.