Để triển khai các tour du lịch SEA Games sang Lào vào tháng 12 tới, một Việt kiều sống và kinh doanh trong nghề du lịch lữ hành tại Mục Đa Hãn (Thái Lan) mới đây đã gửi email cho người viết để giới thiệu một tour du lịch từ Việt Nam đi các tỉnh Đông Bắc Thái bằng ô-tô kết hợp dự khán các cuộc so tài tại SEA Games.
Điều kiện mà anh này không thể thay đổi là chỉ đón khách Việt tại cửa khẩu Đen Savanh hoặc các cửa khẩu Lào-Thái, chứ không thể đón khách ở Lao Bảo hoặc các tỉnh miền Trung. Lý do, để giảm được giá thành cạnh tranh với các công ty khác, nếu nhận khách đi từ nội địa Việt Nam sẽ phải chịu nhiều chi phí trên đường hoặc tại cửa khẩu Việt-Lào; đồng thời không bảo đảm thời gian cho khách vì các thủ tục kiểm tra nhiêu khê và chậm chạp trên đường. Trong khi đó, các đơn vị lữ hành tại Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế hoặc Đà Nẵng khi thực hiện các tour tương tự và nhận khách ngay từ điểm xuất phát ở Việt Nam thường có giá cao hơn vài chục USD cho mỗi người.
Tại buổi gặp gỡ với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng sáng ngày 10-11, tân Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ông Pinasu Chanvitan mặc dù đánh giá cao vai trò của Đà Nẵng như cửa ngõ thông thương ra thế giới của Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) và hoan nghênh Nghị định 80/2009/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam cho phép xe ô-tô tay lái nghịch được vào lưu thông có thời hạn tại Việt Nam, tạo điều kiện cho loại hình du lịch caravan từ Thái Lan vào Việt Nam theo tuyến EWEC, nhưng vẫn băn khoăn về các thủ tục đang tồn tại như một rào cản cần tháo dỡ. Đại sứ Pinasu Chanvitan nói:
“Tỉnh Mục Đa Hản và TP. Đà Nẵng đều có vai trò quan trọng trong việc giao thương và đi lại trên toàn tuyến. Hai địa phương do vậy cần xúc tiến các quan hệ hợp tác phát triển giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa 3 nước trên EWEC”.
Tân Đại sứ Thái Lan chỉ dùng khái niệm “thủ tục” như muốn nói đó là nguyên nhân đến nay EWEC chỉ mới dừng lại như một tuyến giao thông mà chưa là tuyến giao thương lẫn giao lưu văn hóa như đánh giá của các nhà phân tích kể từ sau khi cầu Hữu Nghị số 2 thông tuyến vào tháng 11-2006. Ngoài ra, còn phải kể đến các biểu mẫu kê khai xuất nhập cảnh giữa ba nước Việt, Lào và cả Thái Lan vẫn có sự khác biệt.
Riêng tại cửa khẩu Mục Đa Hản phía Thái Lan vẫn còn các bất cập như chỉ bắt đầu làm việc từ 8 giờ sáng mỗi ngày, trong khi du khách và cả xe vận tải hàng hóa xuất phát từ Mục Đa Hản lúc 6 giờ sáng cũng phải chờ đợi! Hoặc phía Thái chỉ cho những xe có giấy phép qua lại cầu Hữu Nghị số 2 của các cơ quan hữu trách Thái Lan, làm cho việc lưu thông hai chiều gặp trở ngại.
Để phát triển nhanh chóng giao thương và giao lưu văn hóa giữa các nước mà mục tiêu của các nhà hoạch định EWEC đặt ra; đồng thời thực hiện có hiệu quả sự kỳ vọng của chương trình hành động “Ba quốc gia một điểm đến” của ngành du lịch, chúng ta cần sớm có sự chuẩn bị cụ thể khi “xúc tiến các quan hệ hợp tác phát triển giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa 3 nước trên EWEC giữa Đà Nẵng và Mục Đa Hản” sắp tới như đề nghị của tân Đại sứ Thái Lan.
Theo thiển ý của người viết, để có được những hợp tác hiệu quả, cần đặt lên bàn làm việc một tài liệu mang tên “Một thủ tục thống nhất cho một điểm đến” để cùng nhau thảo luận và tháo gỡ các vướng mắc.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
.
.
Đà Nẵng-Mục Đa Hãn: gần mà xa!
Thứ Năm, 12/11/2009, 08:00 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.