.

Đào tạo nghề, vài đề nghị

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản quy định chính sách hỗ trợ học nghề sơ cấp từ đầu năm 2010 đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo; lao động thuộc các hộ trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa, người thuộc các dân tộc thiểu số; bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, người nghiện ma túy đã được cai nghiện, người mại dâm đã được giáo dục, chữa bệnh đang hòa nhập tại cộng đồng.

Theo đó, người theo học các nghề điện tử, điện lạnh, cơ khí, mộc, điêu khắc đá mỹ nghệ, vận hành máy thi công được hỗ trợ mức cao nhất 2 triệu đồng; người theo học các nghề điện công nghiệp-dân dụng được trợ cấp 1,9 triệu đồng; thợ nề trợ cấp 1,8 triệu; sửa chữa điện thoại di động, sửa xe gắn máy, máy tính được trợ cấp 1,5 triệu đồng, may dân dụng 1,4 triệu đồng... Học các nghề chăm sóc người già, chăm sóc sắc đẹp và vệ sĩ được trợ cấp từ 800 đến 900 ngàn đồng.

Theo quy định này, các mức hỗ trợ trên chỉ được thực hiện một lần cho một người và thông qua cơ sở dạy nghề. Đây là một thông tin cần được phổ biến rộng rãi, nhiều lần, theo tôi là nên sớm phổ biến đến từng tổ dân phố, niêm yết ở các UBND phường, bởi các thành phần dân cư nêu trên phần lớn ít có điều kiện theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng từ cơ sở cấp tổ dân phố và phường, nên bố trí cán bộ chuyên trách lập danh sách người đang cần theo học và các nghề mà họ thấy thích hợp, để có kế hoạch triển khai cụ thể đến các trường, các trung tâm dạy nghề. Bên cạnh đó cũng cần xác định rõ “cơ sở dạy nghề” nào thì được nhận đào tạo và nhận khoản tiền hỗ trợ nêu trên, để tránh những rắc rối các thủ tục về sau.

Bởi trên thực tế, các nghề như điêu khắc đá, thợ nề, thợ mộc, chăm sóc người già, chăm sóc sắc đẹp nêu trên chúng ta chưa có những trường lớp đúng quy định, mà thường người học lại theo các thợ cả, các nghệ nhân hoặc học việc ở các cơ sở hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ấy... Trên thực tế, người học nghề theo dạng này thường có thêm mức hỗ trợ tiền công lao động của chủ nên trong lúc học, họ còn có thể gánh vác được một phần chi phí sinh hoạt cho gia đình họ.

Mặt khác, theo trả lời báo chí của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc mới đây: “Do nhu cầu đô thị hóa cũng như phát triển kinh tế nên nói chung đất canh tác của nông dân đang bị giảm bớt, vì thế lao động nông thôn có nhu cầu học nghề khá lớn.... Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của nước ta chỉ đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước là 25%. Số lượng lao động nông thôn cần qua đào tạo nghề lại có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Do đó, cần có chính sách quan tâm tới các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP”.

Cũng theo ông Đắc, hiện Bộ đang xây dựng chính sách cho từng đối tượng học nghề. Dự kiến đối với người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn - trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng - với mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.Đối với người thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.

Các đối tượng còn lại được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Người học nghề sau khi học làm việc ổn định ở nông thôn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay tín dụng...

Xét trên các thông tin vừa nêu, các mức hỗ trợ học nghề từ đầu năm tới của TP. Đà Nẵng, tuy đã có nâng lên so với trước đây, nhưng vẫn còn thấp hơn mức dự kiến cho người học nghề nông thôn ở phạm vi cả nước.

Do vậy, cần xếp lao động các hộ giải tỏa và bị mất đất nông nghiệp cho đô thị hóa ở các quận, huyện hoặc lao động tuy không làm nông, lâm, ngư nghiệp nhưng cư trú trên các địa bàn Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang vào “đối tượng học nghề ở nông thôn” để họ được hưởng mức hỗ trợ cao hơn khi chính sách mới được ban hành.

ANH TRƯƠNG

;
.
.
.
.
.