.

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh Việt Nam!

Từ lịch sử xa xăm, dân tộc Việt Nam đã minh triết rất rõ ràng về sự phức hợp của hiện thực Một dân tộc được hình thành từ trăm bộ tộc của nòi giống Lạc Hồng qua câu chuyện Trăm trứng của mẹ Âu Cơ cũng như từ hiện thực - huyền thoại lịch sử Bách Việt.

Ý thức “lên rừng, xuống biển”, tự nó đã minh xác rằng sự đa dạng về phương thức sống, cộng đồng, văn hóa và tình cảm của người dân Việt, dù ở thời đại nào, vẫn khẳng định một chân lý trường tồn: Sở dĩ dân tộc Việt Nam gan góc đánh bại hết cuộc xâm lược này đến cuộc xâm lược khác, không thể bị đồng hóa, không thể bị bẻ gãy và vùi dập; đều bắt nguồn từ bản chất duy nhất, đó là tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, vững bền.

Không phải ngẫu nhiên mà khi cuộc Cách mạng giải phóng của dân tộc ta đang ở giai đoạn cao trào để đi đến thắng lợi hoàn toàn của mục tiêu độc lập, tự do (1-4-1942); lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm bài thơ Ca sợi chỉ: “Mạnh gì sợi chỉ con con/ Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng/ Càng dài lại càng mỏng manh/ Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng/ Nhờ tôi có nhiều đồng bang/ Họp nhau sợi dọc sợi ngang rất nhiều/ Dệt nên tấm vải mỹ miều/ Đã bền hơn lụa lại điều hơn da/ Đố ai bứt xé cho ra/ Đó là lực lượng, đó là vẻ vang” (HCM, TT, tập 3, trang 231).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví von thật hay về sợi chỉ và tấm vải. Sự khác biệt về sức mạnh của “sợi chỉ” và “tấm vải được dệt từ những sợi chỉ” chỉ là cách sắp xếp, tập hợp lực lượng một cách đúng đắn, công bằng và chặt chẽ mà thôi. Sức mạnh của dân tộc ta suốt bao nhiêu năm qua kể từ khi có Đảng - nhất là từ khi Đảng thành lập Mặt trận đoàn kết đầu tiên (năm 1936) đã minh định rất rõ giá trị bất tử này.

Sự chia rẽ, phân hóa của các xu hướng chính trị, dân tộc là một “thuộc tính” của loài người. Nhận chân vấn đề này để có các chính sách, phương pháp, định hướng gắn kết - đoàn kết thích hợp là tài năng của tổ chức chính trị lớn nhất, ở nước ta là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong thời đại của net, của rất nhiều luồng thông tin đen cố tình lung lạc suy nghĩ của con người bằng những diễn biến phức tạp của thời cuộc được “vận dụng” với các mục đích khác nhau, thì sự phân hóa và chia rẽ càng phức tạp.

Chính vì thế, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay càng nặng nề hơn với các đối sách, vận dụng đòi hỏi tính trí tuệ và sự nhạy bén nhiều hơn. Tất nhiên, đoàn kết là lĩnh vực hết sức nhạy cảm của trái tim và khối óc, nên chỉ có thể có được sự đoàn kết vững chắc từ tình cảm chân thành, từ lý tưởng đúng đắn và, từ quyền lợi chung duy nhất của toàn thể cộng đồng. Các xu hướng phân rã của liên kết, gắn bó giữa các cá nhân, tổ chức đều bắt đầu từ sự va đập, đụng chạm về quyền lợi. Nếu quyền lợi tương đồng, công bằng thì mới có thể có ý hòa đồng duyệt, lợi hòa bất tranh.

Nhận thức rõ các giá trị đó của sự đồng thuận, đoàn kết; thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua luôn coi trọng sức mạnh của lòng dân. Điển hình và rõ rệt là những cuộc tiếp dân, xin ý kiến của dân, nghe phản biện từ dân của lãnh đạo thành phố. Nếu không hiểu bức xúc của người dân nhiều và đa dạng thì không thể có những buổi tiếp dân từ sân vận động tại Hòa Xuân - nơi có thể sẵn sàng đón nhận hàng vạn ý kiến từ hàng vạn con người.
 
Hiệu quả của sự chia sẻ, đồng cảm thật ấn tượng và rõ ràng: Đà Nẵng luôn là thành phố đi đầu so với các địa phương trên cả nước về tốc độ giải tỏa, sự thỏa đáng từ đền bù và sự hài lòng của đa số người dân ở nơi tái định cư. Mới đây nhất là việc 227 hộ dân tự nguyện hiến đất mà không cần bất kỳ điều kiện nào, để thành phố xanh hơn, đẹp hơn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tấm gương sáng ngời của sự đồng thuận bền chặt về ý nguyện, về lý tưởng sống, vì mục đích chung cao cả, sắc sâu. Tất nhiên, những bất cập giữa người dân và chính quyền vẫn luôn là “vấn đề” của mọi thời đại. Để giải quyết những mâu thuẫn, bất cập ấy; tổ chức có tiếng nói quan trọng và hiệu quả nhất là Mặt trận Tổ quốc.

Tin tưởng rằng, nếu Mặt trận có vai trò phản biện - đáp ứng dân trí, dân nguyện tốt hơn nữa thì không một kẻ thù nào, không một thế lực nào có thể chia rẽ nổi khối đoàn kết bền vững của dân tộc Việt Nam vì, sức mạnh đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khẳng định: Đố ai bứt xé cho ra!

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.