.

Đối diện với sự khắc nghiệt của bão lũ

Trong những ngày qua, có nhiều hoạt động nhằm chia sẻ những tổn thất do thiên tai gây ra đối với đồng bào miền Trung ruột thịt diễn ra trên nhiều địa phương cả nước. Ở Đà Nẵng, ngày 27-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm phòng chống lụt bão sau 10 năm lũ lớn miền Trung -1999”.

Các ý kiến do các nhà khoa học, các nhà quản lý trình bày tại Hội thảo đã đưa ra những nguyên nhân cả thiên tai lẫn “nhân tai” mà theo đó, bão lũ ngày càng trở nên hung dữ hơn bắt nguồn từ sự tàn phá thiên nhiên với tốc độ ngày càng cao của con người. Đối với khu vực miền Trung, từ ngàn xưa, đây là xứ sở mà “Cơn bão chưa qua, hạn hán đã tới rồi/ Ngọn cỏ nhọn thành gai mà trốn không khỏi úa/ Đất nứt nẻ ngỡ da người nứt nẻ/ Cơn gió Lào rát ruột lắm em ơi/ Cây lúa ở đây chết đi sống lại/ Hạt gạo kết tinh như hạt muối/ Cây lúa lớn lên phải đạp đất, đội trời” (Thơ Nguyễn Duy).
 
Miền đất khắc nghiệt này càng trở nên khốc liệt bởi sự tàn phá thiên nhiên với tốc độ ngày càng cao của con người. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương, trong hai cơn bão số 9 và số 11 vừa qua, thời gian mưa rất ngắn, tổng lượng mưa thấp hơn mức trận lũ lịch sử năm 1999 nhưng cường độ lại cao hơn nhiều lần, và sức công phá cũng tăng gấp bội. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ lưu, các công trình dân sinh mọc lên ngày càng nhiều đã thu hẹp khả năng tiêu thoát lũ.

Ở thượng nguồn, tình trạng tàn phá rừng ngày càng dữ dội. Tình trạng khai thác gỗ lậu không ngày nào không diễn ra trở thành vấn nạn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Thêm vào đó, “phong trào” làm thủy điện đang phá nát hàng trăm ngàn hecta rừng khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Hậu quả nạn phá rừng đã đến mức nguy hiểm. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như giai đoạn 1945-1975, bình quân mỗi năm cả nước mất 100.000 hecta rừng thì từ năm 1975 đến năm 1995, mất tiếp 2,8 triệu hecta, còn 8,2 triệu hecta. Đến năm 2005 còn 6,5 triệu hecta.

Nạn khai thác cát, khoáng sản khu vực đầu nguồn đã dẫn đến tai họa khủng khiếp như lở núi, hạ lưu các con sông bị bồi lấp đã tác động xấu đến tốc độ thoát lũ.

Để hạn chế những thiệt hại do bão lụt gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều giải pháp như chấm dứt tình trạng suy giảm rừng đầu nguồn; nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn; có biện pháp tiêu lũ nhanh khu vực hạ du; điều chỉnh quy trình vận hành các hồ thủy điện; bổ sung phương tiện, trang thiết bị cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn; nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động phòng chống bão lũ.

Trong những năm qua, về phần mình, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế những thiệt hại do bão lũ gây ra. Nhiều khu vực ngập úng mỗi khi mưa bão như Hòa Quý, Hòa Xuân... đã được quy hoạch, bố trí lại dân cư.

Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão lũ được quán triệt sâu rộng trong nhân dân. Mô hình nhà chống lũ được xây dựng ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Ở nhiều địa phương, nhân dân đã ý thức chằng chống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, chất đốt... cho những ngày bão lũ. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn phối hợp nhịp nhàng và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu mọi tình huống xấu xảy ra.

Nhờ vậy, trong những năm qua, mặc dù bão lũ ngày càng khốc liệt, nhưng thiệt hại về người và của ở Đà Nẵng ngày càng được giảm thiểu. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ngoài những biện pháp vĩ mô, thì ý thức tự giác của người dân là rất quan trọng. Vì vậy, các cơ quan hữu trách cần tuyên truyền cho chính quyền sở tại, nhân dân thực hiện tốt yêu cầu “4 tại chỗ”, đồng thời, công tác dự báo cũng thường xuyên cập nhật để nhân dân nắm bắt và có kế hoạch đối phó.       

MINH LONG

;
.
.
.
.
.