.

Hiến đất

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 13-11-2009 có đăng một dòng tin ngắn: “227 hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường. Số hộ dân trên đã hiến 100% đất của mình, trong đó có 48 hộ thuộc diện khó khăn… Với quỹ đất này, TP. Đà Nẵng sẽ làm đường Phạm Như Xương hoàn thành trước Tết Nguyên đán”.

Đọc dòng tin trên một lần, thêm một lần; rồi, phải ngồi yên vài phút nữa, tác giả của bài viết này mới có thể bình tâm trở lại. Cuộc sống có thật nhiều điều khó hiểu nhưng có lẽ, đoạn tin trên là một trong những sự “khó hiểu” làm xúc động lòng người!

“Đất như vàng” là câu nói cửa miệng của tất cả mọi người trong thời đại bùng nổ dân số, bùng nổ đô thị, bùng phát những “trận dịch” đầu cơ địa ốc đến choáng váng, sững sờ. Thế nhưng, 227 hộ dân nói trên không hề nghĩ vậy.

Cái tâm thật đáng trân trọng của những con người “vô danh” ấy tỏa sáng, lung linh trong suy nghĩ, hiểu biết, đồng cảm của tất cả những ai được nghe nói, được biết thông tin từ báo chí. Đó là cái tâm sáng trong của những người sẵn sàng vì nghĩa lớn, vì lợi ích chung; đặt quyền lợi của cộng đồng, thành phố lên trên lợi ích chẳng hề ít ỏi một chút nào, của chính mình. Cách ứng xử ấy chỉ có thể có được từ những tâm hồn giàu nhân ái, bao dung. Nó càng đẹp, càng rực rỡ hơn nữa khi trên báo chí hầu như ngày nào ta cũng đọc thấy hết vụ tiêu cực đất đai này đến vụ tiêu cực của “chia lô bán nền” khác.

Cái đáng bàn hơn cả là có đến 48 gia đình trong diện khó khăn vẫn tự nguyện nhường đất để mở đường. Hàng chục triệu hay hàng trăm triệu đồng đối với họ là một khoản tiền không nhỏ một chút nào. Họ có thể đòi hỏi chính quyền thành phố một mức giá đền bù thật cao để gây khó khăn, buộc công việc mở đường không thể nào triển khai kịp theo kế hoạch. Từ đó, họ dễ dàng thu lợi ích riêng một cách hợp pháp, bất kể khó khăn của cộng đồng. Thế nhưng, tất cả những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ấy đã không làm thế. Họ không thể làm thế vì một lẽ giản dị: Họ yêu thành phố quê hương và muốn đóng góp phần của mình cho sự phát triển của mảnh đất mà mình đang sống.

Có thể tin rằng, bất kỳ một sự thăng hoa nào của bất kỳ một vùng đất nào, tại bất kỳ một thời đại nào cũng cần phải có những con người biết coi lợi ích cộng đồng cao hơn, nhiều hơn lợi ích cá nhân. Lịch sử đã từng chứng kiến sự thật hiển nhiên ấy: Ở đâu có những con người tâm huyết vì người khác thì thành phố ấy, đất nước ấy giàu có, hạnh phúc.

Nếu chúng ta đồng thuận với những bài học lịch sử nói trên thì càng hiểu rõ ý nghĩa cao cả của việc hiến đất. Chắc chắn nó sẽ cộng hưởng và đem đến thật nhiều niềm tin về sự tốt đẹp của cuộc đời này…

Người xưa dạy: “Thi ân bất niệm, thụ ân bất vong” (làm ơn cho người thì không cần phải nhớ nhưng nhận ơn của người thì không được phép quên). 227 gia đình đã hiến những mảnh đất nơi con đường mới mẻ, khang trang Phạm Như Xương đang dần trải rộng, không hề đòi hỏi sự đền bù, đãi ngộ. Thế nhưng, người dân Đà Nẵng không bao giờ quên nghĩa cử thấm đậm ân tình ấy.

Họ xứng đáng được tôn vinh và càng xứng đáng hơn nữa nếu nhận được sự sẻ chia từ toàn thể cộng đồng để cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Tin rằng, Đà Nẵng sẽ xứng đáng với sự chờ mong của những tấm lòng nhân ái để mỗi ngày mỗi đẹp và sáng trong hơn…

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.