Sau gần 4 tháng kể từ ngày Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với 130 ông chồng có hành vi bạo lực gia đình về vai trò người đàn ông trong phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, đến cuối tháng 11-2009, đã có 74 người tiến bộ. Tình trạng người chồng đam mê cờ bạc, thường xuyên say xỉn đánh đập, chửi mắng vợ con trong nhiều gia đình đã chấm dứt. Nhiều cặp vợ chồng trong số này đã lo lắng làm ăn, thậm chí nhiều ông chồng quan tâm chăm sóc vợ chu đáo. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố như luồng gió mới thổi tan màn đen bạo hành lâu nay giấu kín trong vỏ bọc chuyện riêng của gia đình.
Bạo lực gia đình là vấn nạn xã hội hiện được các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội quan tâm và chung tay đẩy lùi. Nhiều tổ chức ở các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ đã tổ chức các cuộc gặp mặt những người chồng có tiến bộ để khen ngợi, biểu dương. Ở quận Liên Chiểu, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), phường Bình Hiên (quận Hải Châu)... đã thành lập hoặc Câu lạc bộ, hoặc nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến các cấp Hội Phụ nữ từ thành phố đến phường, xã. Sau cuộc nói chuyện của Bí thư Thành ủy, Hội Phụ nữ thành phố đã tổ chức gặp mặt các chị là nạn nhân của bạo hành để chia sẻ nỗi niềm riêng và động viên cả về vật chất lẫn tinh thần; trang bị thêm cho chị em kỹ năng sống và kiến thức về bình đẳng giới. Hội Phụ nữ thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường yêu cầu những người đàn ông đánh vợ ký cam kết chấm dứt bạo lực gia đình và triển khai theo dõi việc thực hiện của từng người.
Nhìn chung trên địa bàn thành phố, nhận thức cộng đồng về vấn nạn này ngày càng rõ ràng hơn. Các cuộc nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình đã thu hút đông đảo chị em tham dự. Công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình đã làm chuyển biến nhận thức của chị em phụ nữ.
Với những chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình, họ đã tự điều chỉnh những hành vi chưa phù hợp của mình, nhận diện được hành vi bạo lực gia đình và biết nơi để cầu cứu mỗi khi bị chồng hành hạ. Nếu trước đây, chuyện lục đục trong gia đình được liệt vào loại “đèn nhà ai nấy rạng” thì hiện nay, hàng xóm cũng không thụ động trước nạn bạo hành xảy ra trong gia đình láng giềng. Họ sẽ gián tiếp can thiệp bằng việc báo với công an, chính quyền mỗi khi trong khu vực có bạo hành xảy ra, hoặc can ngăn, khuyên bảo những người chồng vũ phu không được hành động.
Số liệu thống kê kết quả của cuộc chiến chống nạn bạo lực gia đình tuy mới gói gọn trong số 130 người đã có danh tính, chưa có cuộc điều tra trên diện rộng trên phạm vi toàn thành phố, nhưng những tiến bộ bước đầu này đã thực sự tạo được dấu ấn đối với cộng đồng xã hội. Nhiều chị em được giải phóng khỏi nạn bạo lực, điều đó cũng đồng nghĩa với số gia đình yên ấm tăng lên.
Cách làm và những kết quả đạt được của Đà Nẵng được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao và coi đây là một trong những thành công nổi bật của phong trào Phụ nữ thành phố trong năm 2009. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng dành một số dự án về chống bạo lực gia đình cho thành phố Đà Nẵng.
Chống bạo hành gia đình là một trong nhiều chương trình xã hội khác mà Đà Nẵng đã đề xướng và triển khai thực hiện thành công. Dù thời gian còn quá ngắn, kết quả đạt được còn khiêm nhường, nhưng với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự hưởng ứng đồng bộ của các ngành, các cấp, của nhân dân, các biện pháp triển khai đồng bộ, tin rằng tệ nạn tồn tại hàng ngàn năm này sẽ được khắc chế.
QUÝ LÂM
.
.
Không còn là chuyện gia đình
Thứ Tư, 25/11/2009, 07:52 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.