Sáng 29-10-2009, UBND thành phố Đà Nẵng đã chính thức động thổ, khởi công xây dựng khu ký túc xá sinh viên tập trung tại quận Liên Chiểu. Khu ký túc xá có tổng diện tích lên đến hơn 25 nghìn m2 với 6 khối nhà 5 tầng, bảo đảm chỗ ăn ở, giải trí cho hơn 6.000 sinh viên. Tổng vốn đầu tư cho khu liên hợp ký túc xá này là 734 tỷ đồng - trong đó 50% là nguồn ngân sách của thành phố.
Có thể nói, đây là một trong những tin tốt lành nhất đối với 5.000 sinh viên nói riêng, phụ huynh nói chung. Bởi sau khi việc xây dựng ký túc xá hoàn thành (2011), sinh viên sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng thuê nhà trọ với giá cả đắt đỏ. Đó là chưa nói đến những nỗi khổ khác như môi trường không phù hợp, những căn phòng trọ nhếch nhác, thiếu ánh sáng, sự hạch sách của nhiều chủ phòng trọ như lâu nay báo chí vẫn đưa tin…
Cái được nhiều nhất là sinh viên khi đến ở ký túc xá này sẽ có gần 15ha diện tích cây xanh, vườn hoa, khu thể thao… Ai cũng biết điều bất cập lâu nay của nhiều trường đại học, cao đẳng là thiếu sân chơi cho hoạt động của tuổi trẻ - lứa tuổi mà nếu không được hoạt động thể thao đầy đủ, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và khả năng học tập.
Khu ký túc xá trong tương lai gần sẽ trở thành một “đô thị nhỏ”, một điểm sáng về văn hóa, xã hội của thành phố. Muốn được như thế, ngay từ bây giờ cần phải có kế hoạch cụ thể, đầy đủ về việc quản lý ký túc xá cũng như trang thiết bị phù hợp cho cuộc sống của “những công dân 4 năm” ở đô thị mới. Chẳng hạn, việc xây dựng mạng lưới Internet đến từng phòng ở, trang bị máy vi tính cho mỗi phòng theo nguyên tắc BOT (đầu tư toàn bộ, thu phí dần) là một trong những yêu cầu bắt buộc.
Nhà ăn tập thể cho sinh viên cũng là một trong những điều phải trăn trở nhiều. Không ít các nhà ăn tập thể của ta luôn có cách để buộc người trong cư xá phải ăn những gì họ không muốn với giá cả thiếu hợp lý. Kinh doanh là phải có lãi nhưng cái tâm, cái bổn phận của đội ngũ phục vụ này là điều phải đặt lên hàng đầu.
Có một thực tế mà ai cũng biết, nhưng lại khó khắc phục. Đó là tập tính cá nhân của đa số trí thức. Xu hướng đề cao cái tôi, rất hay nói đến cái chung nhưng thường chỉ làm theo ý mình là đặc tính chung của bộ phận dân cư đặc biệt này của xã hội. Việc cư trú phân tán càng làm cho xu hướng trên có điều kiện bộc phát mạnh mẽ hơn. Ký túc xá của sinh viên là mô hình lý tưởng nhất để rèn luyện, nâng cao ý thức cộng đồng, sức mạnh tập thể - vấn đề quan trọng nhất của con người mới xã hội chủ nghĩa.
Chính vì ý nghĩa trên, tác dụng của ký túc xá trong việc rèn luyện nhân cách và ý thức cộng đồng, tập thể là không thể nào lượng định hết. Tất nhiên, trong những năm kinh tế thị trường vừa qua, tính tập thể của sinh viên đã bị mai một đi khá nhiều. Ngược lại, tư tưởng cá nhân - thậm chí là chủ nghĩa cá nhân đã trở thành một làn sóng rất đáng e ngại trong quá trình hình thành nhân cách, lý tưởng, đạo đức của sinh viên.
Hơn 1 triệu sinh viên cả nước hầu hết đều mong được Nhà nước quan tâm trong vấn đề tạo điều kiện càng nhiều càng tốt cho sinh viên được sống trong các ký túc xá. Nhưng thực tế cho thấy rằng đó là một bài toán khó.
Cách làm của Đà Nẵng - huy động sức mạnh từ nguồn kinh phí của Nhà nước kết hợp với sự mạnh dạn, tinh thần thắt lưng buộc bụng để thay đổi quả là điều rất đáng trân trọng, tự hào. Cha ông xưa dạy rằng có an cư mới lạc nghiệp. Bây giờ có thể mượn cách nói ấy để diễn giải: An cư xuất cao đồ - có an tâm về chỗ ở, đời sống mới có thể tạo ra những người học trò giỏi giang, đức hạnh.
ĐINH THIỆN
.
.
Ký túc xá sinh viên
Thứ Ba, 03/11/2009, 08:51 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.