.

Mô hình cần được nhân rộng

Triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu do thành phố phát động, Phụ nữ thành phố có nhiều phong trào tạo được ấn tượng trong cộng đồng bởi tính khả thi cao và đầy sức sống của nó. Người dân thành phố không thể quên phong trào tiết kiệm 200 đồng của phụ nữ Xuân Hà khởi đầu những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Chuyện có gì đâu, chỉ mỗi ngày mỗi phụ nữ tiết kiệm 200 đồng tiền chợ góp lại để giúp những chị em nghèo khó. Tích gió thành bão, việc làm của phụ nữ Xuân Hà đã tạo dựng được nguồn vốn hàng chục rồi hàng trăm triệu đồng, giúp hàng trăm, hàng ngàn lượt phụ nữ khó khăn thoát cảnh đói, nghèo. Và việc làm bình thường đó lớn dần, lớn dần và trở thành mô hình được nhiều địa phương trong cũng như ngoài thành phố học tập và áp dụng.

Và trong thời gian gần đây, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, giới chân yếu tay mềm lại tạo được dấu ấn  xã hội bằng một mô hình rất thiết thực: Phân loại rác từ nguồn.

Hằng ngày trên địa bàn thành phố thải ra khoảng 1.200 tấn rác thải rắn. Dù rất cố gắng, nhưng Công ty Môi trường đô thị cũng chỉ thu gom được khoảng 80% lượng rác thải. Chất thải hằng ngày chủ yếu phát sinh từ sinh hoạt của các gia đình, của các khu dân cư. Phần lớn phụ nữ trực tiếp tham gia công việc nội trợ nên chất thải sinh hoạt hằng ngày tại gia đình đều qua tay họ. Vì vậy, để hiệu suất thu gom rác thải cao, việc đề cao trách nhiệm của người phụ nữ trong việc phân loại rác thải tại gia đình là hết sức quan trọng.

Qua 5 năm kể từ khi mô hình này ra đời, việc phân loại rác từ nguồn của phụ nữ Đà Nẵng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là, lượng rác thải hằng ngày tại những địa phương thực hiện thu gom tại nguồn đã giảm đáng kể; tiết kiệm được chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải.
 
Các loại rác thải có thể tái sử dụng sau khi được tái chế như giấy, chai lọ thủy tinh, đồ nhựa, kim loại...  đã mang lại nguồn thu đáng kể cho chị em. Hằng tuần, các chi hội tập trung số rác tái chế sử dụng được bán cho các điểm thu mua phế liệu. Riêng quận Thanh Khê, thời gian qua đã thu được trên 22 triệu đồng từ bán phế liệu là rác thải do chị em phân loại từ nguồn. Số tiền không lớn nhưng là nguồn quỹ Hội rất hữu ích trong việc hỗ trợ gạo cho những gia đình khó khăn, tặng xe đạp cho học sinh nghèo, mua chổi vệ sinh tại các khu dân cư, mua thùng rác cho các hộ nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều chị em.

Được bắt đầu từ năm 2005 tại phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, qua 5 năm thực hiện, việc phân loại rác từ nguồn đã trở thành phong trào thu hút đông đảo chị em phụ nữ các quận nội thị tham gia. Ở quận Hải Châu có 50% số chi hội  tham gia mô hình. Ở các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, số chi hội, hội viên phụ nữ tham gia ngày càng nhiều. Nhờ hiệu quả cao do mô hình này mang lại, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố có kế hoạch nhân rộng mô hình này tại các địa phương khác trong thành phố.

Để thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia phong trào, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động chị em tham gia; tổ chức các cuộc toạ đàm rút kinh nghiệm từ các đơn vị thí điểm, soạn thảo tài liệu tuyên truyền thu gom và xử lý rác với các nội dung như phân tích tác hại của rác đối với môi trường sống; vì sao phải phân loại rác và  giá trị mà các loại rác mang lại sau khi phân loại đúng.
 
Bên cạnh việc giới thiệu các biện pháp thu gom, xử lý rác, Hội cũng đưa ra những khuyến cáo hội viên hạn chế, đi đến chấm dứt những hành vi gây ô nhiễm môi trường như không đổ nước bừa bãi xuống lòng đường, hè phố; không xả rác ra sông, hồ, cống rãnh và nơi công cộng. Thường xuyên quét dọn nơi mình làm việc, học tập; bỏ rác vào thùng rác công cộng; tránh để ứ đọng rác thời gian dài...

Để Đà Nẵng là thành phố sạch nhất nước, cần có sự chung tay, góp sức của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân. Phong trào phân loại rác từ nguồn của phụ nữ thành phố đã góp phần thiết thực xây dựng thành phố sạch, đẹp cần được nêu gương. Mong muốn là trong thời gian ngắn nhất, mô hình phân loại rác từ nguồn trở thành phong trào chung của phụ nữ toàn thành phố.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.