Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng phối hợp cùng Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đô thị hóa ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và những vấn đề kinh tế-xã hội đặt ra”. Đây là một đề tài mang tính tổng hợp, có tính thời sự và đang cần nghiên cứu chuyên sâu từ nhiều khía cạnh.
Theo nhận định chung của các tham luận, tốc độ đô thị hóa khu vực này diễn ra khá nhanh. Các nhà nghiên cứu đã đề cập đến các vấn đề quy hoạch đô thị, sự phát triển của các vùng kinh tế, các khu công nghiệp ở miền Trung-Tây Nguyên, vấn đề phân hóa giàu nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của đô thị hóa; vấn đề di dân…, đồng thời nêu lên các nhóm giải pháp khác nhau để giải quyết các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, về quy hoạch, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý đô thị trong quá trình đô thị hóa...
Người viết bài này đặc biệt quan tâm đến những khía cạnh mang tính xã hội học đô thị, mà một trong những chủ thể của nó là vai trò của các thị dân. Theo nhà xã hội học Mỹ, giáo sư Alvin Boskoff: “Gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ em, tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em, sự di cư, vấn đề chủng tộc, người già, trạng thái tâm lý, giai cấp xã hội, tôn giáo, học vấn và các xu hướng trong đời sống xã hội đô thị, là những vấn đề quan tâm của xã hội học đô thị“.
Theo ông, các nhà xã hội học đô thị cũng liên tục giải thích bản chất các hiện tượng, đi sâu nghiên cứu cấu trúc, quá trình của xã hội đô thị qua đó lý giải các vấn đề về bản chất của đô thị, cộng đồng đô thị và đời sống đô thị.
Quá trình đô thị hóa ở nước ta trong thời gian một vài thập niên vừa qua, theo nhận định của Viện Xã hội học:
Không hoàn toàn chỉ do công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các nguồn tăng dân số tự nhiên và tăng cơ học truyền thống, mà việc điều chỉnh lại địa giới hành chính, biến các vùng nông thôn ven đô trở thành nội thành do yêu cầu mở rộng không gian đô thị đã biến đổi kinh tế - xã hội từ các xã ngoại thành trở thành phường nội thị đã tạo ra một chuỗi thay đổi cho cá nhân lẫn cộng đồng, bao gồm sự chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu lao động việc làm của dân cư, từ đa số làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp; sự chuyển đổi đời sống xã hội, văn hóa tinh thần, lối sống từ nông thôn sang lối sống đô thị; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến đổi cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu lao động, sinh hoạt, đời sống ở đô thị; thay đổi bộ máy quản lý, hành chính từ nông thôn (làng, xã) sang đô thị (tổ dân phố, phường).
Một nhà nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh đã mô tả một đô thị Việt Nam hiện nay với 8 đặc điểm:
1- Đô thị là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế... là đầu mối của nhiều cấp, nhiều ngành quản lý đồng thời tồn tại nhưng thiếu sự phối hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý hành chính đô thị.
2- Đô thị là nơi tập trung dân cư đông đúc hơn so với khu vực nông thôn và dân đô thị là dân tứ xứ được tụ tập lại.
3- Dân cư phi nông nghiệp ở đô thị chiếm tỷ lệ không lớn lắm.
4- Đô thị là nơi tập trung các cơ sở hạ tầng vật chất quan trọng, nhưng vẫn chưa ngang tầm với các đô thị trên thế giới.
5- Lối sống đô thị là lối sống hợp cư, luôn biến động, hầu như không có sự liên kết về huyết thống, tập quán, truyền thống..., luôn tôn trọng những chuẩn mực có tính pháp lý hơn là những quy tắc có tính cộng đồng.
6- Người dân đô thị có trình độ chuyên môn cao hơn nông thôn.
7- Phân chia địa giới hành chính trong các đô thị không có ý nghĩa lớn đối với dân cư, và 8- Đô thị cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề xã hội, thất nghiệp, tình trạng tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội và hàng loạt vấn đề xã hội khác luôn nảy sinh, luôn quá tải của các trường học, bệnh viện, giao thông đô thị... (Những đặc điểm của đô thị ở Việt Nam hiện nay; ThS.Phan Anh Hồng - HVHCQG).
Ta thấy rằng năm trong tám đặc điểm trên đây liên quan đến những vấn đề dân sinh và xã hội học đô thị. Nhưng ở Việt Nam, do các yếu tố lịch sử, chúng ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ ở khía cạnh xã hội học trên cơ sở các điều tra cơ bản thích hợp. Người dân đô thị (hay gọi tắt là thị dân) vừa có những đặc điểm giống các đô thị khác (hợp cư trong cộng đồng đô thị), quan hệ huyết thống làng xã lỏng lẻo dần, nhưng đồng thời lại mang những sắc thái riêng từ nguồn gốc văn hóa nông dân, đi ngược lại những yếu tố cần có của thị dân như thiếu ý thức về tính liên đới trong đời sống, từ trong bản chất cố thoát ra những ràng buộc, chi phối bởi các định chế pháp lý.
Chính những đặc trưng đó xuất phát từ quá trình đô thị hóa “nhảy vọt” và dẫn đến các hệ quả nặng nề về môi trường và trật tự xã hội, tạo ra những gánh nặng không đáng có cho các cấp quản lý, từ hành chính đến hoạch định chính sách vốn còn yếu kém ở các đô thị non trẻ, trong đó có gánh nặng về giải quyết việc làm và nhà ở cho người nhập cư thu nhập thấp. Đó là các hệ quả mà xã hội phải trả giá đắt cho các vấn đề môi trường và trật tự đô thị đã được cảnh báo từ kinh nghiệm các nước.
Theo các nhà nghiên cứu đô thị phương Tây: Để giảm thiểu những việc trả giá đó, cần có những chính sách phát triển cân đối nhằm tạo ra các cơ hội kinh tế cho vùng nông thôn và giảm thiểu các ưu tiên vốn có ở các đô thị lâu nay để hạn chế quá trình nhập cư từ nông thôn ra đô thị. Các nhà hoạch định chính sách được khuyến cáo nên nhận thức rằng việc tạo ra công ăn việc làm ở thành thị nhiều hơn có thể không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề thất nghiệp ở đô thị, ngược lại có thể càng thúc đẩy quá trình di cư và làm tồi tệ thêm vấn đề thất nghiệp ở các thành phố.
Giáo dục cũng phải được tổ chức lại và chú trọng đến các công việc có hàm lượng chất xám cao hơn và đào tạo nghề. Các chương trình phát triển vùng nông thôn nên được chú trọng để người dân ở đó có thể hưởng thụ được các phúc lợi y tế, giáo dục, xã hội như ở các đô thị. (Munir Mahmud, Đô thị hóa và vấn đề di cư).
Ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, theo số liệu của hội thảo nêu trên, nếu trước năm 1975 chỉ có 9 tỉnh, 6 thành phố và hơn 100 huyện, thị; thì 40 năm sau, hiện toàn khu vực có 18 tỉnh, thành với 18 thành phố, trong đó, 5 thành phố loại I, 10 thị xã, 150 thị trấn và trên 1.000 thị tứ.
Đô thị hóa nhanh chóng đã kéo theo hàng loạt các vấn đề kinh tế, xã hội đang đối diện với một giá khá đắt. Dẫu rằng điều đó chưa bằng các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng thiết nghĩ những “phản biện” của Munir Mahmud (*) cần được xem xét.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
(*) Munir Mahmud, Tiến sĩ kinh tế người Bangladesh, hiện giảng dạy tại Đại học Kinh tế Pennsylvania State, Mỹ. Từng giảng dạy tại các đại học các tiểu bang California và Illinois. Ngoài giảng dạy, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế phát triển đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới.
.
.
Một phản biện đô thị hóa
Thứ Năm, 19/11/2009, 08:01 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.