.

Ngăn chặn tác hại từ Internet

Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp tại kỳ họp Quốc hội được phát sóng trực tiếp trên truyền hình ngày 17-11, đại biểu Nguyễn Lân Dũng bức xúc nói: Nghiện Internet cũng chẳng khác nào nghiện ma túy, vậy biện pháp giải quyết vấn đề này của Bộ như thế nào? Cách trả lời chung chung của Bộ trưởng về mặt kỹ thuật, về các chế tài và sự giáo dục của gia đình vẫn chưa thể làm an lòng người dân trước thực trạng Internet đang tác động mạnh mẽ đến nỗ lực giáo dục trẻ của gia đình, nhà trường và xã hội.

Vấn đề mà đại biểu Nguyễn Lân Dũng đặt ra đang là một thực trạng nhức nhối mà xã hội phải đối mặt. Hằng ngày, trên khắp các phố phường, ngay trong giờ lên lớp, giờ tự học bài, đáng lẽ dành thời gian để học tập thì rất nhiều thanh-thiếu niên đốt cháy thời gian, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính truy cập Internet.

Những nội dung mà các em khai thác rất ít khi vì mục đích học tập, có thể là chơi trò chơi online, ngồi chát chuyện phím với nhau, xem những phim khiêu dâm, bạo lực mà đáng lý ở tuổi các em bị cấm tuyệt đối… Ở hầu hết các đại lý Internet, chủ quán không có sự quản lý về nội dung thông tin mà các em truy cập. Do vậy, bất kể những gì các em muốn biết đều có thể truy tìm trên Internet, kể cả những loại thông tin mà các em bị cấm tiếp cận.

Thời gian tỷ lệ thuận với lợi nhuận mang lại từ việc kinh doanh đại lý Internet, chính vì vậy, phần lớn chủ quán mặc kệ cho trẻ ngồi hàng giờ để truy cập, thậm chí, có nơi sẵn sàng phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ để ai muốn ở lại thâu đêm suốt sáng vẫn được.

Trong những cuộc họp bàn cách quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên hư ở Đà Nẵng, có ý kiến cho rằng, kinh doanh Internet công cộng không đem lại lợi ích nhiều cho Nhà nước, thuế thu được từ hình thức làm ăn này không bao nhiêu nhưng những thiệt hại mà nó gây ra lại tổn thương đến cả một thế hệ trẻ. Nói gay gắt là vậy nhưng lại rất đúng với thực tế hiện nay.

Cấp phép kinh doanh Internet tràn lan, trong khi quản lý lại lỏng lẻo khiến cho trẻ em, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể sử dụng được. Quy định là trẻ dưới 14 tuổi không được đến các điểm Internet công cộng nếu không có phụ huynh đi kèm.
 
Nhưng thử hỏi, ở hầu hết các điểm kinh doanh hình thức này, ai quản lý, ai kiểm tra những thanh-thiếu niên ngồi đó bao nhiêu tuổi, ai giám sát cha mẹ có đi kèm hay không, ai thường xuyên theo dõi để biết chính xác giờ nào quán Internet công cộng đóng cửa thật hay chỉ đóng cửa ngoài còn bên trong những “con nghiện Internet” vẫn đang xoay vần với “vũ điệu game” và hàng trăm thứ thông tin nguy hiểm khác.

Nói như Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thì cần phải tăng cường quản lý và giáo dục từ phía gia đình. Nhưng nếu gia đình nghiêm cấm thì các em có thể đến bất cứ một tiệm Internet công cộng nào để thỏa mãn nhu cầu của mình.
 
Trong phạm vi gia đình, cha mẹ có khả năng kiểm soát mức độ sử dụng Internet của con trẻ nhưng khi các em đến những nơi công cộng thì phụ huynh không theo dõi được. Đúng là mỗi gia đình cần giám sát chặt chẽ thời gian học tập và vui chơi của con em mình. Khi đánh động đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, các bậc làm cha làm mẹ nhất định sẽ có sự thức tỉnh đúng lúc để giáo dục, quản lý con cái tốt hơn.

Cái khó là quản lý những điểm chơi game online, kinh doanh Internet công cộng. Họ chỉ vì lợi nhuận mang lại nên bất chấp những nguy hại đến thế hệ trẻ, bất chấp những quy định, chế tài xử lý của các cơ quan chức năng để thu lợi. Thiết nghĩ, nếu như không thể phát huy được tính tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự quản lý của những điểm kinh doanh Internet công cộng thì hãy sử dụng những chế tài xử phạt nặng, cần thiết có thể rút giấy phép kinh doanh ngay khi phát hiện ra sai phạm...

Hiện nay, các điểm kinh doanh game online, Internet công cộng đã trở thành một trong những tụ điểm tạo nên nguy cơ khiến cho thanh-thiếu niên hư hỏng. Điều mà đại biểu Quốc hội đặt ra cũng là mối lo chung của toàn xã hội. Cần thiết phải có những biện pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian đến, làm sao ngăn chặn những tác hại tiêu cực của Internet để không ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của cả một thế hệ trẻ Việt Nam.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.