Năm 2005, sau 8 năm trở thành phố trực thuộc Trung ương, dân số thành phố Đà Nẵng tăng thêm 100 ngàn người. Nhưng từ năm 2005 đến nay, chỉ chưa đầy 5 năm, thành phố có thêm 100 ngàn dân nữa. Là một đô thị đang trên đà phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa cao, nên dân số Đà Nẵng tăng nhanh trong những năm qua là điều dễ hiểu. Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân hằng năm trong khoảng thời gian từ 1999 đến nay là 2,6%, xếp thứ 6 trên cả nước về tốc độ tăng dân số.
Sau khi chia tách, thành phố Đà Nẵng có kết cấu dân số trẻ, nhưng qua nhiều năm tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, kết cấu dân số đã thay đổi do tỷ suất sinh và chết giảm, tỷ lệ tăng cơ học cao. Hiện nay, Đà Nẵng đã có kết cấu dân số ở giữa mức “dân số trẻ” và “dân số già”. Nói một cách khác, Đà Nẵng đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” với 887.069 dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, một khi giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định và tăng tốc, đồng thời hệ thống giáo dục thực hiện tốt chức năng chuẩn bị tri thức và nghề nghiệp cho nguồn lực lao động, thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, sẽ dẫn đến tệ nạn và mất ổn định xã hội. Nó đặt ra những thách thức về tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên. Và quan trọng hơn cả là nguồn nhân lực dồi dào đó phải được đào tạo, nâng cao chất lượng, nâng cao tay nghề để nắm lấy cơ hội kinh tế trong nước, thậm chí trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao có thể xuất khẩu sang các nước đang thiếu nhân lực.
Đà Nẵng đang bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ khi tỷ lệ phụ thuộc của dân số Đà Nẵng ở mức 50/100. Tỷ lệ phụ thuộc trong năm 2008 là 56,1. Tức là có 56 người ngoài tuổi lao động trên 100 người trong tuổi lao động. Tuổi trung bình dân số thành phố trong những năm gần đây đang dao động quanh độ tuổi khoảng 30.
Tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế dẫn đến sự gia tăng số lượng người nhập cư trong những năm qua đã tạo điều kiện và động lực cho kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến ảnh hưởng nhất định, tuy không nhiều như những đô thị lớn. Nhất là gần đây đã có những dấu hiệu không tích cực của việc nhập cư đến công tác quản lý đô thị như vấn đề an ninh-trật tự, sự quá tải của các cơ sở y tế, dịch vụ, giao thông, nhà ở.
Năm 2008, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cho biết, nếu đầu tư 1 đồng cho công tác dân số, lợi ích thu lại là 31 đồng. Như vậy, không có gì mang lại lợi nhuận cao hơn khi chúng ta có một thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh, có học vấn, có nghề nghiệp, ứng xử thân thiện với môi trường và người xung quanh. Qua nhiều cố gắng trong công tác giảm sinh, từ những năm cuối của thập niên 90, dân số Đà Nẵng đã đạt đến mức sinh thay thế và giữ vững được tỷ suất sinh thấp trong nhiều năm liền.
Hiện nay, tỷ suất sinh thô hằng năm của Đà Nẵng dao động quanh mức 15 phần nghìn. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên khoảng 10%. Tuy nhiên, đời sống kinh tế khá lên, điều kiện sống tốt hơn nên ý tưởng sinh nhiều con đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Biểu hiện là những năm gần đây tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng.
Sau khi có kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở cả nước, không ít chuyên gia nhận định rằng, trong thời gian đến, tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề bùng nổ dân số, mất cân bằng giới tính và dân số già. Do đó, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ ít nhiều chịu tác động của những vấn đề trên. Có 2 nguy cơ được dự báo từ bây giờ đối với thành phố.
Một là, sẽ có hiện tượng tỷ suất sinh tăng trở lại do tỷ suất sinh trong thời gian gần đây có những biến động bất thường. Hai là, dân số già là vấn đề cần phải đối mặt, tuy vậy cũng vài chục năm nữa. Mặc dù tuổi thọ tăng, mức sinh thấp nhưng dân số nhập cư sẽ tiếp tục ở mức cao và phần lớn trong độ tuổi lao động. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội thì những số liệu công bố gần đây cũng cần được thành phố nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để đề ra chiến lược phát triển dân số phù hợp.
VIỆT DŨNG
.
.
Ngưỡng “dân số vàng”
Thứ Hai, 02/11/2009, 07:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.