Trong cuộc đời dạy học của mình, với tôi những năm 1964-1965... là thời gian đẹp nhất.
Mỹ bắt đầu đổ quân xâm lược miền Nam và đánh phá miền Bắc.
Cả nước sôi sục không khí chống Mỹ, cứu nước. Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, của mọi người và mỗi người.
Học sinh của tôi lúc đó là những nam nữ thanh niên Hà Nội học lớp 9, lớp 10; 17-18 tuổi trẻ măng, đẹp và trong sáng, rất chăm ngoan và em nào cũng cháy bỏng một ước mơ ra tiền tuyến, như thơ của Chế Lan Viên Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt.
Chắc là cũng không thiếu những chuyện quậy phá, tiêu cực, nhưng tất cả như mờ chìm, như bị che phủ...
Tôi luôn có ý nghĩ, nếu như có lệnh thì những học sinh thân yêu của mình có thể để nguyên sách bút trên những bàn học ấy đi thẳng tới chiến trường. Điều chúng tôi phải nhắc nhở các em là lúc nào còn ngồi trên ghế nhà trường thì phải học thật tốt.
Chúng tôi lúc ấy chỉ lo dạy thật tốt mà yêu cầu này cũng đồng nghĩa với làm thế nào để học sinh của mình phải trở thành những chiến sĩ tốt, xứng đáng với lòng tin của Tổ quốc.
Chúng tôi không phải lo nói không với điều này, thân thiện với điều kia. Bằng cuộc sống của chính mình và học sinh của mình, chúng tôi đã đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Có lẽ chúng tôi cũng không tài giỏi gì, nhưng mục đích lý tưởng của chúng tôi tường minh và chỉ có một. Vun đắp phát huy lòng yêu nước của các em, vốn có sẵn trong máu thịt các em và mọi nhân tố, môi trường lúc ấy đều chung sức với chúng tôi. Cuộc đời như sắp đặt sẵn cho mình.
Những ngày ở chiến trường tôi gặp nhiều học sinh của tôi và gặp rất nhiều chiến sĩ cùng trang lứa với các em, những người thân quen như học sinh đích thực của mình. Tôi cảm thấy không hổ thẹn với những lời giảng hôm nào và các em cũng thế.
Ngày nay, đúng là chưa bao giờ và không một lĩnh vực nào được xã hội quan tâm như giáo dục-đào tạo.
Ở đâu ta cũng (và nhất là trong dịp 20-11) nghe thấy những lời kêu ca, chê trách, phê phán gay gắt và đau lòng.
Tôi thật tình không rõ phản ứng của ngành Giáo dục-Đào tạo (những người lãnh đạo) trước công luận này như thế nào, chỉ cảm thấy có cái gì đó vướng mắc.
Phải chăng chính những người ra lời kêu gọi nói không với bệnh thành tích lại bị căn bệnh này vây bủa.
Phải chăng vì sợ bị quy kết là bất kính với truyền thống, phủ định sạch trơn quá khứ mà họ không dám lên tiếng mạnh mẽ.
Chao ôi. Muốn đổi thay, muốn chấn hưng mà không nhìn vào sự thật hiện trạng, không thấy tất cả những khiếm khuyết, bất cập, biện giải rõ nguyên nhân, đưa ra những giải pháp tình thế và căn cơ thì làm sao có thể thành đạt được.
Những thành tựu của sự nghiệp giáo dục-đào tạo trong quá khứ dầu có lớn lao đến thế nào thì nó cũng là của một thời kỳ, một hoàn cảnh.Lê-nin chẳng đã dạy chúng ta, một ưu điểm của một giai đoạn nếu kéo dài ra có thể trở thành một khuyết điểm.
Chính sự lướng vướng níu kéo cái đã lỗi thời, hết sức sống đã làm sự nghiệp giáo dục-đào tạo của ta ngày càng tụt hậu hơn về mặt khoa học so với thế giới đương đại, trong lúc trì trệ như thế nó lại ở vào thế không thể chống đỡ nổi những sự xâm nhập ma quái của cái gọi là thị trường hoang dã mà những chuyện mua điểm cho học trò tiểu học, mua bằng cho các vị tiến sĩ, mua giấy phép mở trường đại học, mua các loại giải thưởng danh hiệu, v.v... có thể chỉ là bề nổi của tảng băng.
Tôi cứ thắc mắc hoài sao chúng ta đi năn nỉ thế giới công nhận nền kinh tế của ta là kinh tế thị trường đầy đủ (chứng tỏ ta đoạn tuyệt với cơ chế kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp) mà sao ta lại không thể nhìn thẳng vào sự thật nền giáo dục-đào tạo của mình.
Có lẽ nên tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Đã có 10 người Trung Quốc đoạt giải Nobel, nhưng họ chỉ rõ cả 10 người ấy không một ai có quốc tịch Trung Quốc và không một ai dính líu đến nền giáo dục Trung Quốc ở đại lục (sau năm 1949). Và họ kết luận sở dĩ Trung Quốc không có người đoạt giải Nobel vì “Nền giáo dục Trung Quốc hiện nay chẳng đâu vào đâu cả, đó là nền giáo dục vô vị nhất thế giới. Tư tưởng phương thức và nội dung giáo dục cho học sinh hoàn toàn đi ngược lại bản chất giáo dục”.
Là một nước có 1,3 tỷ dân, là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, là nước đã tự mình bằng phương tiện KHKT của mình đưa người lên vũ trụ, vậy mà họ đã nhìn lại nền giáo dục của mình nghiêm khắc như thế. Nếu giáo dục 60 năm qua của họ không phải là không có những nét có thể là những mảng huy hoàng, mà chúng ta có thể ngả mũ khâm phục.
Cách đây hơn 100 năm, bộ ba Quảng Nam Phan Châu Trinh-Huỳnh Thúc Kháng-Trần Quý Cáp trên đường vào Nam vận động duy tân. Đến Bình Định gặp lúc (1905) ở đây có kỳ thi Hương, ba ông nhận định “Cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đổ bỏ, mà sĩ phu ta còn chui đầu vào trong như kiến, không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”.
Các ông mượn một tên ảo làm bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn lương ngọc tuyên chiến với cái học hủ lậu đó. Hai bài này như một tiếng sét vang lừng cả nước, thức tỉnh đông đảo sĩ tử.
(Chỉ xin trích hai câu)
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung
Tạm dịch:
Muôn dân chịu kiếp sống nô lệ dưới ách cường quyền. (Vậy mà) sĩ tử vẫn mê say trong giấc mộng văn chương bát cổ.
Ba ông Phan, Huỳnh, Trần đã sôi kinh nấu sử theo cái học thánh hiền, cả ba đều là bậc đại khoa, thành danh vì cái học ấy. Vậy mà khi ngộ ra cái học ấy làm hại nước ta đã lâu, các ông quyết liệt dứt khoát xem nó là đồ bỏ.
Có lẽ nào chúng ta ngày nay không học được tinh thần quyết liệt, dứt khoát của các bậc kiệt hiệt đó để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Phải quyết liệt và dứt khoát
Thứ Ba, 17/11/2009, 07:50 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.