.

Tôn vinh thầy giáo

Cho dù gần như ngày nào mở trang báo ra cũng gặp lời phàn nàn về giáo đức, đúng có sai có, nhưng tích tụ mãi khiến lòng tin của không ít người cũng chao đảo. Cho dù ngày nay, nhiều người đánh đồng nghề giáo với mọi nghề làm công ăn lương, rẻ rúng nghề giáo vì nghèo, vì không có quyền cao chức trọng.
 

Cho dù tóc đã ngả sương sau bao đắng cay, thất vọng, nhưng khi lắng nghe được từ sâu thẳm tiếng của lòng mình, vượt qua mọi tác động, tôi vẫn rưng rưng niềm biết ơn đối với những người thầy, cô giáo đã rèn cặp, dạy dỗ tôi nên người. Chuyện ấy không là chuyện lạ và không chỉ của tôi, đó là truyền thống, là đạo lý và hơn cả, là sự thực cuộc đời.

Đó là thầy giáo Kiến dạy tôi năm lớp một, ăn đói mặc rét vẫn lặn lội đến lớp, vẫn dỗ dành học trò tập tô chữ, tập đánh vần. Đó là thầy Hoàng Xuân Nhị dạy tôi văn học Nga-Xô viết, thân già cưỡi trâu vượt nước lũ để đến lớp học sơ tán kịp giờ giảng. Đó là thầy giáo người Kinh bỏ quê hương lên sống 20 năm trên bản Vân Kiều dạy các em học chữ Bác Hồ.

Đó là hàng nghìn cô giáo miền xuôi lên miền núi dạy học, thiếu thốn gian khổ, lỡ thì quá lứa, hy sinh cả tuổi xuân cho đàn em. Đó là người thầy nhảy xuống dòng nước lũ cứu học sinh, học sinh thì cứu được nhưng thầy thì bị nước cuốn đi. Đó là những cô giáo bỏ mặc việc nhà, lội bùn đến trường cọ rửa bàn ghế, phơi từng trang vở cho học trò sau bão.

Hơn một triệu thầy giáo, cô giáo như thế đang có mặt ở mọi nơi, chịu nhiều thiệt thòi về lương bổng, về điều kiện sống và làm việc để chăm nom, dạy dỗ con em chúng ta nên người. Thầy, cô giáo cũng là con người, trong số họ cũng có người tốt, kẻ xấu nhưng nhất định trong đội ngũ thầy cô giáo, người tốt phải là số nhiều, những người ta cần biết ơn phải là số nhiều. Không thể mong con cái nên người tử tế nếu bố mẹ không kính trọng và biết ơn thầy, cô giáo của mình và của con cái.

Bởi thế, không ngoảnh lưng lại với những hành vi xuống cấp về lương tâm, đạo đức của một bộ phận những người làm nghề giáo nhưng cần phát động một phong trào rộng khắp trong học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội, bằng những suy nghĩ và việc làm thiết thực, tôn vinh nghề giáo, tôn vinh những người đã hy sinh bản thân mình vì học sinh, vì nhà trường.

Cần xây dựng những cơ chế và môi trường để nhà giáo đủ sống bằng đồng tiền lương thiện mình kiếm ra, có điều kiện mang hết tài đức của mình phục vụ nghề nghiệp với niềm tự hào được làm nhà giáo, được đứng trong hàng ngũ những người gương mẫu nhất, đáng trọng nhất trong xã hội.      

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.