.

Xanh nhưng phải tươi!

Báo Đà Nẵng số ra ngày 4-11 đưa tin, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã chủ trì cuộc họp xem xét các tiêu chí bình chọn “Nhà hàng xanh” theo đề xuất của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT).

Có 7 tiêu chí bắt buộc để các “Nhà hàng xanh” được chính quyền thành phố cấp giấy chứng nhận là: bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện nước, cây xanh, an toàn thực phẩm, không gian nhà hàng, sản phẩm giấy ăn và giấy vệ sinh, nhân viên phục vụ. Mỗi tiêu chí cụ thể hóa thành nhiều yêu cầu.

Chẳng hạn, về không gian nhà hàng, phải có khu vực ăn uống đạt 2m2/người và bãi đậu xe có mái che cùng bạt che nắng cho xe. Về an toàn thực phẩm quy định nguồn gốc thực phẩm và thực phẩm không nằm trong danh mục cấm theo quy định của Nhà nước. Về môi trường, phải có hệ thống xử lý nước thải, bể tách dầu mỡ, bể yếm khí có ngăn lọc; bên cạnh đó là yêu cầu về nhà vệ sinh, khói thải nhà bếp, thu gom chất thải rắn...

Chúng ta hy vọng và tin rằng trong tương lai, Đà Nẵng sẽ là đô thị có thêm những yếu tố phù hợp trong mục tiêu xây dựng một thành phố mà du lịch-dịch vụ sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực, phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới.

Nhưng, cũng không khỏi băn khoăn: hàng trăm nhà hàng không xanh, thậm chí chật chội, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường nhan nhản từ lâu nay thì sao? Có được tiếp tục tồn tại? Hàng ngàn hàng quán vỉa hè, ở các cổng trường, những gánh hàng rong, tiệm cơm “bụi” phục vụ cho người có thu nhập thấp và công nhân, lao động sẽ được quản lý thường xuyên như thế nào? Hay chỉ là những đợt kiểm tra theo chiến dịch kiểu “xuân thu nhị kỳ” lâu nay? Một nhà hàng mới đăng ký hoạt động nhưng không có bãi đậu xe (lại có mái che), không đủ diện tích nhà ăn theo tiêu chí 2 mét vuông cho một khách, không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu chế biến... có được phép hoạt động hay không?, v.v...

Kết luận tại cuộc họp trên, theo Báo Đà Nẵng, “Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã thống nhất với đề án và yêu cầu Sở TN-MT cần phối hợp với các ngành chức năng hoàn chỉnh các tiêu chí xây dựng đề án Nhà hàng xanh cho phù hợp để thành phố phê duyệt, tiến tới bình chọn Nhà hàng xanh trên địa bàn”. Kết quả bình chọn phải tạo được sự thuyết phục lan tỏa trong cộng đồng những người kinh doanh nhà hàng. Và từ đó mong rằng những tồn tại về ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của đông đảo người lao động sẽ được khắc phục.

Vì vậy, việc bình chọn minh bạch để chọn “cột cờ” phải song song với các biện pháp hành chính, chế tài theo luật pháp một cách thường xuyên và có hiệu quả đối với các hình thức kinh doanh dịch vụ ăn uống trên diện rộng mới hy vọng thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng một đô thị “xanh, sạch, đẹp” trong tương lai.

Và cuối cùng, đã “xanh” thôi thì chưa đủ. Cần phải “tươi” nữa mới bảo đảm nếp sống văn minh đô thị. Trong 7 chỉ tiêu nêu trên, ta thấy có nhắc đến tiêu chí “nhân viên phục vụ”, nhưng không thấy chi tiết cụ thể.

Chúng ta đã từng đến nhiều nhà hàng, quán ăn khá sang trọng, khá “xanh” và cả ngon nữa, nhưng vẫn chưa tươi, khi những nhân viên phục vụ và cả các vị chủ cứ bày ra trước mắt ta những khuôn mặt chẳng một chút thiện cảm nào, chứ đừng nói đến một nụ cười! Tất nhiên, người kinh doanh kiểu đó sẽ tự trả giá cho hành vi của mình, nhưng đứng về mặt quản lý xã hội theo một định hướng nhất định, cũng cần có những khuyến cáo cần thiết vì mục tiêu chung.

ANH TRƯƠNG

;
.
.
.
.
.