Tại kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa VII, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đề nghị chọn năm 2010 là năm An sinh xã hội, giải tỏa đền bù, tái định cư.
Năm 2009, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội như chương trình “5 không”, “3 có”, “Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015”. Chương trình thành phố “5 không” được điều chỉnh 2 mục tiêu “Không có hộ đói” thành “Không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố”; “Không có người mù chữ” thành “Không có học sinh bỏ học ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở”. Thành phố cũng đề ra nhiều chính sách đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo.
Việc chăm sóc người có công được thực hiện chu đáo, thường xuyên. Năm qua, thành phố đã giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ hàng tháng cho 18.118 trường hợp chính sách; xây tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà, miễn giảm tiền sử dụng đất, trợ cấp khó khăn đột xuất cho 4.164 đối tượng chính sách; trợ giúp 33 tỷ đồng cho 15.181 đối tượng bảo trợ xã hội, cấp 137.891 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng xã hội với số tiền 19,8 tỷ đồng. Quỹ vì người nghèo đã huy động được 61 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây mới gần 500 ngôi nhà cho người nghèo, giúp đỡ 7.600 hộ thoát nghèo theo chuẩn mới của thành phố.
Các hoạt động từ thiện, nhân đạo được đông đảo tổ chức cá nhân tham gia với số tiền hàng chục tỷ đồng. Năm qua, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho 3 vạn lao động, triển khai 700 dự án giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 4,95%, đào tạo nghề cho 40.000 học sinh; giải quyết chế độ, chính sách cho 5.186 lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập. Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đẩy mạnh, trong đó mức thu BHYT và BHXH bắt buộc được hơn 643 tỷ đồng, thu BHYT tự nguyện hơn 46 tỷ đồng. Hệ thông Bảo hiểm xã hội đã góp phần gắn kết mối quan hệ giữa người lao động- người sử dụng lao động- Nhà nước thêm chặt chẽ.
Chính sách an sinh xã hội trong những năm qua đã góp phần đáng kể trong việc ổn định đời sống của người lao động và những người có hoàn cảnh éo le, những người gặp rủi ro, tai nạn lao động, những người mất việc làm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, những gia đình nghèo, các đối tượng chính sách, thai sản, những người không chăm sóc được bản thân... có được cuộc sống ổn định. Chính sách an sinh xã hội đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo góp phần quan trọng giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm công bằng xã hội...
Thông qua chính sách an sinh xã hội, nhiều gia đình đã tạo được nơi ở, nhờ an cư, đã từng bước lạc nghiệp, nhiều hộ bằng vốn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, từ ngân hàng chính sách xã hội, đã vượt qua cảnh nghèo, vươn lên làm giàu. Được hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội, nhiều người đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, trở lại cuộc sống bình thường...
Tuy vậy, an sinh xã hội vẫn là mối quan tâm của hệ thống chính trị, của xã hội trên con đường phát triển đi lên của thành phố. Trước hết do một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp chưa ý thức sâu sắc ý nghĩa của chiến lược an sinh xã hội. Tình trạng nợ BHXH vẫn còn lớn. Nhiều người dân còn ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu sự nỗ lực vươn lên. Các nguyên tắc của hệ thông an sinh xã hội như mọi người dân có quyền an sinh và tiếp cận hệ thống an sinh xã hội; tạo sự gắn bó, đoàn kết, liên kết tương trợ giữa các cá nhân, nhóm xã hội; gắn trách nhiệm và quyền lợi, giữa đóng góp và hưởng lợi, khuyến khích mọi người dân, mọi thành phần trong xã hội tham gia... chưa được nhận thức một cách đầy đủ.
Đà Nẵng là một thành phố năng động phát triển nhanh, nhưng tỷ lệ người nghèo theo chuẩn thành phố vẫn còn lớn, số người không có việc làm vẫn còn đông. Hệ thống y tế vẫn còn bất cập, trong đó nhiều cơ sở y tế quá tải trong điều trị. Quá trình đô thị hoá ở Đà Nẵng gắn liền với việc di dời, giải toả, tái định cư trên diện rộng, liên quan đến hàng chục ngàn hộ dân. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong bố trí tái định cư, nhưng đến cuối năm 2009, vẫn còn trên 2.000 hộ đang ở nhà tạm. Thêm vào đó là nhu cầu về nhà ở của công nhân, học sinh, sinh viên, những hộ nghèo... đã tạo ra một áp lực lớn cho thành phố trong những năm tới...Không thể phát triển hài hoà, bền vững nếu những yêu cầu cấp bách về an sinh xã hội không được giải quyết thấu đáo.
Đã có nhiều chuyển động về chính sách an sinh xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Cũng tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố, Ban Văn hoá Xã hội đã đề nghị tăng mức đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương lên mức 25 đến 30 triệu đồng. Để giảm bớt khó khăn cho nhũng hộ tái định cư đã nợ tiền đát quy ra vàng đủ 10 năm trở lên, Chủ tịch HĐND thành phố đồng ý giảm 40% số nợ quy ra vàng và 5 năm con lại, nếu hộ nào trả trước thời hạn được giảm thêm 2% cho mỗi năm trả trước. Như vậy, nếu hộ đã nợ 10 năm (trong thời hạn được phép 15 năm), trả hết số nợ, sẽ được giảm 50% số nợ đã quy ra vàng. Cũng trong năm 2010, thành phố sẽ gấp rút hoàn thành nhiều dự án chung cư cho người thu nhập thấp, cho học sinh, sinh viên.
Tin tưởng những quyết sách về an sinh xã hội sẽ góp phần thúc đẩy thành phố phát triển bền vững trong tương lai.
QUÝ LÂM
.
.
2010 - Năm An sinh xã hội
Thứ Tư, 30/12/2009, 08:02 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.