.

Ba đề án nhiều ý nghĩa

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa công bố 3 Đề án lớn của chiến lược 2010-2015. Theo đó, đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ có “3 không”: “Không có người lang thang xin ăn”, “không có tội phạm giết người để cướp tài sản” và “không có học sinh bỏ học”.

Điểm đầu tiên mà dư luận đánh giá rất cao là tính khả thi của Đề án trên là khá thuyết phục. Những biện pháp, chính sách mà Đề án đưa ra vừa quyết liệt, vừa cụ thể.  Bên cạnh đó, điều mà dư luận chờ đợi là nếu Đề án thành công, Đà Nẵng sẽ mở ra một bước ngoặt thực sự về sự an toàn, an sinh xã hội.

Thứ nhất, vấn nạn ăn xin (phần lớn được tổ chức bởi các đường dây của những kẻ “chăn dắt” bảo kê nguy hiểm) đang là điều nhức nhối của tất cả các thành phố. Sự tồn tại của “nghề” ăn xin đã gây nên rất nhiều phản cảm: Sự nặng nề của xã hội; bức tranh méo mó của một chế độ do dân, vì dân; sự “ăn theo” của các loại tội ác, tội phạm… Đặc biệt, ăn xin là một trong những lực cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.

Bên cạnh đó, giải quyết được nạn ăn xin cũng đồng nghĩa với việc chế độ ta đã thực hiện được tính nhân đạo cao cả và bảo đảm được quyền con người cho tầng lớp nghèo khổ khốn cùng nhất. Vì lẽ đó, đây không chỉ là việc nên làm mà là nhiệm vụ phải làm - vấn đề chỉ còn lại ở chỗ: Làm như thế nào?

Thứ hai, “không có tội phạm giết người để cướp tài sản” là cái không khó nhất trong ba không. Để đạt được điều này, cần phải có sự đồng tâm, hiệp lực của chính quyền và toàn dân. Giám sát, kiểm tra chỉ là một phần của công việc.

Các biện pháp giáo dục, động viên thường xuyên là yêu cầu bắt buộc. Phần lớn, những đối tượng dễ gây án nghiêm trọng (giết người cướp của) đều đã có tiền án, tiền sự nên rất dễ có cảm giác bị bỏ rơi, xa lánh, cô độc. Sự gần gũi của bà con, làng xóm sẽ là động lực tốt nhất để hoán cải những tâm hồn lầm lỗi. Mặt khác, sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp của cuộc sống hiện nay luôn dẫn đến nhiều áp lực; thậm chí, có những áp lực lớn đến mức làm cho con người phải liều lĩnh bất kể ai cũng biết đó là chuyện khôn ba năm dại một giờ.

Sự hiểu biết với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ địa phương là yếu tố quyết định nhất trong công tác phòng ngừa tội phạm. Nói như thế cũng có nghĩa là cần phải có chính sách ưu đãi hơn đối với cán bộ phường, xã. Không thể toàn tâm, toàn ý lo cho dân, cho địa phương nếu đồng lương không đủ sống.

Học sinh bỏ học là một trong những điều khá phổ biến trên cả nước. Chúng ta hiểu rất rõ rằng đi kèm với chuyện bỏ học là các tệ nạn xã hội, sự bất ổn của gia đình và là “nguồn” đưa đến sự tha hóa nguy hiểm. Giải quyết được chuyện này cũng có nghĩa là tạo nên sự ổn định cao nhất từ mỗi tế bào của xã hội (gia đình). Hơn nữa, nếu trong một xã hội mà chuyện bỏ học là điều phản cảm thì tự khắc đi học - không thể bỏ học sẽ trở thành giá trị đạo đức phổ quát.

“Ba không” trên đây trong thực tế có quan hệ mật thiết với nhau. Đó là mối quan hệ của “đuổi bắt vòng tròn” của nghèo - khó khăn - ít học - bức xúc - tội ác. Nếu làm được cả  3 điều trên thì chắc chắn đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những thành phố sạch, đẹp và ổn định nhất thế giới. Hãy tin rằng những nhiệm vụ đó là khó - rất khó nhưng không phải là không thể.

Tất nhiên, nếu dễ thì chẳng cần phấn đấu hay hạ quyết tâm để làm gì. Chưa bao giờ Đà Nẵng cần đến thế các giải pháp đồng bộ, đúng đắn của chính quyền kết hợp một cách chặt chẽ và hiệu quả với nỗ lực của toàn dân. Các giải pháp phải chi tiết và cụ thể hơn. Tuyệt đối ngăn ngừa tư tưởng phong trào. Và, sự đồng tâm, đồng ý, đồng lòng là nhân tố quyết định nhất để thành công.

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.