Khi tờ lịch đầu tiên của mỗi năm được mở ra, bao giờ cũng đem lại những cảm xúc thật bồi hồi, xúc động trong lòng của mỗi con người. Cảm giác ấy bỗng trở nên dào dạt hơn, khi giở đến tờ lịch đầu tiên của năm 2010 - Năm của một con số thật tròn, thật đẹp, cũng là năm để muôn con dân đất Việt nhớ lại những thời khắc vô cùng trọng đại trong lịch sử của đất nước, của dân tộc. Đó là năm của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; năm của những ngày không thể nào quên về kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, 65 năm khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Chiến thắng mùa Xuân 1975 để non sông thu về một mối...
Cùng với lịch sử của đất nước, của dân tộc đó, gần một triệu người dân Đà Nẵng cũng đón chào thời khắc trọng đại này với tâm trạng háo hức mừng vui trước thềm những sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa... trong năm 2010: Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng quê hương “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, Lễ hội pháo hoa quốc tế lần thứ 3, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI...
Để đón chào thời khắc có ý nghĩa lớn lao đó, nhìn lại năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, tạo nên nền tảng để tự tin trước thềm năm mới. Đó là với nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, thành phố đã vượt qua được những khó khăn, thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đạt con số tăng trưởng ở mức 11,2%. Nhiều khó khăn từ đầu năm trong phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, thu hút đầu tư...đã kịp thời được hóa giải bằng những chủ trương, giải pháp tích cực cùng nỗ lực không ngưng nghỉ trong tổ chức và triển khai thực hiện. Những vấn đề về an sinh xã hội được giải quyết trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện từ thành phố đến cơ sở, nhận được sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Điều đáng nói, chính trong bối cảnh khó khăn chung đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Đà Nẵng tiếp tục phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo vốn đã trở thành một “thương hiệu” trong 13 năm phát triển của mình trên cương vị thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng loạt công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ về kinh tế mà cả xã hội, không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước đã được khởi công và khánh thành.
Đó là cầu Thuận Phước, cầu Rồng, đường Nguyễn Văn Linh (nối dài), đường ĐT 602, tuyến Cáp treo Bà Nà đạt 2 kỷ lục thế giới, Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ, các công trình nhà ở xã hội trong chương trình “3 có”... Đó là việc lãnh đạo thành phố đã quyết định không “sống trong ốc đảo” của mình, mà tiên phong trong việc vươn ra kết nối phát triển của miền Trung-Tây Nguyên bằng hàng loạt cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương trong khu vực, tạo nên động lực mới cho phát triển liên kết vùng ở dải đất có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn này.
Trên lĩnh vực xã hội, để giải quyết những vấn đề dân sinh trong quá trình đô thị hóa, của lạm phát, khủng hoảng kinh tế thế giới...Đà Nẵng đã tiên phong trong việc đề ra những chính sách, giải pháp mang tính đột phá hướng đến đối tượng yếm thế của xã hội. Đó là việc nâng mức chuẩn nghèo của thành phố lên 500 nghìn đồng/người (khu vực thành thị) và 400 nghìn đồng/người (khu vực nông thôn); đồng thời từ đó xây dựng đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng để xóa hết hộ nghèo theo chuẩn mới này vào năm 2015.
Với sự đầu tư đó, chỉ trong năm 2009, từ 7.600 hộ thoát nghèo, thành phố đã giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức 19,26% xuống còn 14,8%, qua đó làm nền tảng cho việc giảm tỷ lệ này xuống còn 11,27% trong năm 2010. Cùng với đó, thành phố đã tiên phong trong việc hướng tới giải quyết những vấn đề liên quan đến hộ đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật bằng việc ra đời Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường phối hợp giúp đỡ các đối tượng này và nhận được sự hưởng ứng tích cực trong xã hội; chuyển đổi và nâng “chất” của hai mục tiêu quan trọng trong chương trình “5 không” thành “Không có hộ đặc biệt nghèo” và “Không có học sinh bỏ học”; tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình nhằm xây dựng xã hội văn minh bằng Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và bằng những cam kết cụ thể của những người gây ra bạo lực gia đình trong buổi gặp gỡ, đối thoại lịch sử của người lãnh đạo cao nhất thành phố!...
Điều đáng nói, để làm nên những đột phá, sáng tạo đó chính là từ phong cách làm việc “cháy hết mình” của lãnh đạo đến mỗi người dân Đà Nẵng, là việc luôn đặt ra trước mắt mình những cột mốc quan trọng nhằm luôn luôn hướng đến chứ không bao giờ đạt được để thỏa mãn.
Chính vì thế, tuy đạt được những thành tựu, nhưng khi nhìn lại một năm qua, chúng ta không khỏi băn khoăn trước những khó khăn, thách thức tồn tại thời gian qua nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Đó là việc kinh tế từng bước được phục hồi nhưng tốc độ còn chậm và chưa vững chắc do quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp. Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cơ bản, trật tự đô thị, tài nguyên, môi trường…còn hạn chế.
Tác động của khủng hoảng kinh tế, lạm phát… đã ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là người làm công ăn lương, người nghèo, đối tượng chính sách. Tệ nạn xã hội vẫn luôn là điều nhức nhối, nhất là tội phạm hình sự, ma túy diễn biến phức tạp. Tình trạng học sinh bỏ học, thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật; tỷ lệ sinh con thứ ba…gia tăng ảnh hưởng đến chất lượng dân số của thành phố… Đây chính là những nỗi lo lắng, bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Nhìn nhận thẳng thắn vào những vấn đề cần giải quyết đó, cùng với thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của cả năm qua, đã cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn hơn về năm 2010-Năm con người tiếp tục hướng tới những điều trọn vẹn. Việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, những công trình có ý nghĩa quan trọng trong năm qua... sẽ góp phần lớn tạo nên những bước phát triển mới cho năm nay. Niềm tin về việc tiếp tục vượt qua khủng hoảng, phục hồi phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn được củng cố. Chỉ tiêu cho tăng trưởng năm 2010 vì thế được đặt ra cao hơn năm 2009, với mức tăng trưởng GDP đạt 12-13%. Thành phố đang hướng tới chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế với Dịch vụ chiếm tỷ trọng 50,5%, Công nghiệp-Xây dựng chiếm 46,5% và Thủy sản-Nông-Lâm chiếm 3%.
Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội cũng được quan tâm mạnh mẽ hơn, trong đó, sẽ đẩy mạnh chương trình “5 không”, “3 có”, nhất là với mục tiêu xóa hộ đặc biệt nghèo (trong mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo” của chương trình “5 không”) và “Có nhà ở xã hội” (trong chương trình “3 có”). Để đạt những mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU trong toàn hệ thống chính trị, kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các cá nhân và cả sự nỗ lực phấn đấu của bản thân những hộ đặc biệt nghèo, của các em học sinh và thanh-thiếu niên; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hoàn thiện các công trình nhà ở xã hội đã khởi công và chuẩn bị cơ sở hạ tầng nhằm triển khai những chương trình, dự án mới liên quan đến lĩnh vực này nhằm đạt được mục tiêu có từ 7 nghìn đến 10 nghìn căn hộ ra đời trong năm nay; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tốt hơn các nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Những quyết tâm đó được đề ra, chính là hướng tới một mục tiêu phát triển Đà Nẵng bền vững; trong đó giải quyết các vấn đề xã hội phải thực sự tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Vấn đề này luôn được đặt ra trong suốt quá trình phát triển Đà Nẵng hơn 12 năm trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, năm 2010, Đà Nẵng đặt ra quyết tâm nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn nhằm tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để từ đó đạt đến một năm 2010-Năm của muôn nhà!
Trong quyết tâm đó, đòi hỏi sự nỗ lực không ngưng nghỉ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Đà Nẵng. Để qua một năm, khi nhìn lại thành quả chung của thành phố, mỗi người đều thấy được dấu ấn của mình soi rọi vào trong đó!
NGUYỄN THÀNH
.
.
Chào năm 2010
Thứ Năm, 31/12/2009, 07:56 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.