Trong mấy ngày qua, hầu như các báo đều đăng tin về việc các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng khám phá ra vụ hạt dưa được bày bán trên địa bàn có chứa chất gây ung thư Rhodamline B, là hóa chất được dùng trong công nghệ nhuộm… len, dạ(!). Các loại hạt dưa trên đây có nguồn gốc từ doanh nghiệp tư nhân Tấn Phát ở thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Ông Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng đã có công văn thu hồi các sản phẩm độc hại trên.
Điều đầu tiên là dư luận rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc cẩn trọng của cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng. Với việc phát hiện sai phạm rất nghiêm trọng trên đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đà Nẵng không chỉ cứu người dân Đà Nẵng mà còn cứu được hàng triệu người thoát khỏi nguy cơ bị ung thư vì cái hạt dưa bé nhỏ nhưng không hề vô tình trong năm ba ngày Tết.
Điều đáng trân trọng hơn nữa là Chi cục ATVSTP Đà Nẵng đã “nhìn và thấy” không chỉ hành phi, xương động vật thối, bì heo đang phá hoại mâm cơm của nhiều gia đình mà đã nhạy bén và tỉnh táo khi phát hiện ra mối nguy từ loại thực phẩm tưởng chừng như vô hại nhất là hạt dưa.
Chuyện của hạt dưa cho thấy rằng văn hóa ẩm thực của nước ta hiện nay đang bị đầu độc và xâm hại một cách nghiêm trọng. Hầu như không có loại thực phẩm nào đang được bày bán có tính an toàn đáng tin cậy? Ai cũng biết có đến 5 bộ quản lý mâm cơm của người dân nhưng thật trớ trêu là ai cũng hiểu thêm rằng sự quản lý đó vô cùng hình thức.
Đất nước và tính mạng, cuộc sống của người dân sẽ ra sao khi đụng vào bất kỳ loại thực phẩm nào cũng sợ, cũng lo chừng hậu họa? Nguy cơ trên đặt ra một yêu cầu cấp bách là dù có tốn kém đến mấy, cơ quan quản lý ATVSTP cũng phải tăng cường lực lượng, tăng cường sự giám sát để đem lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân.
Hậu quả từ thực phẩm độc hại là không thể đo lường. Giải pháp duy nhất là cần phải có những chế tài nghiêm khắc hơn để trừng phạt thật nặng mọi cách thức kinh doanh từ sự gian dối, vô cảm. Bên cạnh đó, vai trò của những cán bộ, nhân viên trong công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP là hết sức quan trọng.
Nếu chỉ trông chờ vào sự ngẫu nhiên hay hậu quả từ sự đã rồi thì việc phòng chống e rằng đã quá muộn. Nguyên tắc của sự lành mạnh được bắt đầu từ việc mà lâu nay chúng ta (đa số người phương Đông) không quen: Đó là phải xây dựng được ý thức rằng cái ác, cái xấu tồn tại khắp nơi và là thuộc tính tự nhiên của mọi nhu cầu lợi nhuận. Marx có nói rằng một khi lợi nhuận quá lớn thì người kinh doanh thậm chí, có thể đầu độc cả cha đẻ của mình.
Tất nhiên, cách ví von đó đã được hình tượng hóa nhưng không phải là không có lý do. Chẳng phải tự nhiên mà những câu chuyện liên quan đến cái ác có rất nhiều trong kho tàng văn học dân gian ở nhiều nước trên thế giới.
Chuyện của hạt dưa không hề là chuyện nhỏ. Đó là sự cảnh báo nghiêm khắc về sự xâm hại môi trường sống dưới nhiều hình thức, hoạt động tưởng chừng như vô hại. Chợt giật mình khi đọc lại hai câu thơ của Chế Lan Viên: Hãy cảnh giác em ơi cảnh giác/ Nửa cái hôn phải tỉnh thức ngó quân thù.
“Quân thù” trong trường hợp này là mọi cách thức làm ăn gian dối, phi nhân, bạc nghĩa vì đồng tiền mà bỏ qua trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Rất mong Chi cục ATVSTP Đà Nẵng làm được nhiều hơn nữa trong nhiệm vụ bảo vệ sự an lành nhất định phải có của mọi người dân.
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Chuyện hạt dưa
Thứ Hai, 14/12/2009, 09:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.