.

Cuộc chiến không ngơi nghỉ

Trong cuộc sống đời thường, chắc hẳn không ít người có thể chịu đựng được khó khăn, gian khổ trước mắt và sẵn sàng chấp nhận vượt qua thử thách khi hoàn cảnh đưa đẩy. Và nếu ai đang/hay đã một thời là lính, thì khả năng ấy có khi còn được thể hiện ở mức độ cao hơn.

Nhưng nổi bật hơn hết từ phẩm chất của người lính, đó là tính chiến đấu. Đã là người lính, ai cũng có một điểm chung là tư tưởng chiến đấu luôn được đề cao và trui rèn thường xuyên, trong mọi nghịch cảnh.

Sinh ra trong lửa đạn của chiến tranh, nên nhiều người Việt Nam đã một thời là lính, và rất nhiều người vẫn đang mặc áo lính. Người lính Việt đã đi suốt chiều dài của lịch sử của đất nước và dân tộc, trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập (8-1945), lần lượt cùng toàn dân đánh bại hai cuộc xâm lược của hai đế quốc hàng đầu thế giới (1945-1975), tiến lên bẻ gãy mọi âm mưu phá hoại hòa bình, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các thế lực thù địch bằng các cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc (1975-1989).

Đã hơn 20 năm kể từ khi các cuộc xung đột trên biên giới khép lại, nhưng người lính Việt vẫn đang luôn phải cầm chắc tay súng để giữ vững biên cương của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, góp phần đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. 
 
Đối với những người một thời là lính, dù trên mình không còn quân phục, nhưng tư tưởng chiến đấu vẫn bám chặt trong tâm trí, chi phối nhận thức, nếp nghĩ, hành vi, tác phong của bản thân trong cuộc sống thường nhật.

Cuộc chiến đấu của những người một thời là lính rất đa dạng và lắm nỗi nhọc nhằn, gian truân. Đó có thể là cuộc chiến chống lại cái lạnh run thấu xương tủy và những cơn giật co quắp vì sốt rét rừng vẫn dai dẳng bám theo người lính, sau bao năm trở lại đời thường, đó có thể là những phản xạ thót tim bởi tiếng sấm tháng ba, mà trong cơn mơ ngủ, người lính năm xưa cứ tưởng là tiếng pháo ngoài mặt trận. Đó có thể là sự lăn xả quên mình trong gió bão để cứu lấy những đồng bào, đồng đội bị thiên tai đe dọa tính mạng.

Đó còn là cuộc chiến vật lộn để mưu sinh đầy khó khăn cho bản thân và gia đình giữa cuộc đời; là cuộc chiến ngoan cường chống lại sự sai trái, bất công, tranh quyền đoạt lợi trong cơ quan, đơn vị; là cuộc chiến chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng đang gây ảnh hưởng xấu đến bộ máy công quyền; là cuộc chiến của lòng trung thực, sự công minh trước những cám dỗ vật chất không minh bạch; là cuộc chiến để khẳng định thực chất nhằm chống lại sự giả trá, hình thức, phi khoa học; là cuộc chiến chống lại nghèo nàn, lạc hậu để được tiến bộ, văn minh, thịnh vượng.

Trong cuộc chiến đấu ấy, những người một thời là lính nhiều lúc không có đồng đội để phối hợp, không có sức mạnh tổ chức làm chỗ dựa, không có vũ lực để chống lại sự ngoan cố của đối phương. Nhưng lắm lúc, họ vẫn giành được thắng lợi, bởi sức mạnh của ý chí chiến đấu đến cùng và tinh thần trong sáng vẫn luôn trong tim của người lính, bởi sự đồng tình ủng hộ của quần chúng và lẽ phải, bởi sự phù hợp với chủ trương và mong muốn của Đảng và Nhà nước.

Dĩ nhiên, cuộc chiến nào cũng khó tránh khỏi thương vong, mất mát. Trong cuộc chiến của những người một thời là lính, đã có người tha hóa, đánh mất quá khứ của mình, chịu thua trước cám dỗ của cuộc đời hoặc chấp nhận an phận. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người dám “hy sinh”, dám chiến đấu không khoan nhượng với cái hư hỏng, sai trái trong xã hội như một người lính thực thụ, bất chấp sự trù dập, trả thù tàn khốc hay bị cô lập.

Các thế lực thù địch và những thói hư tật xấu trong xã hội vẫn luôn gây áp lực, đe dọa hòa bình và sự phát triển của quốc gia, dân tộc; vì thế, với phẩm chất của người lính cách mạng, với ước vọng mang bình yên và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, cuộc chiến đấu của những người đang là lính, hay đã một thời là lính, vẫn không hề ngơi nghỉ.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.