Đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, các phương tiện truyền thông đại chúng và những người tố cáo đóng vai trò rất quan trọng. Tại buổi tuyên dương những người có thành tích chống tham nhũng, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cô độc và nguy hiểm khi họ đấu tranh trực diện với những kẻ tham nhũng vừa có quyền lực, vừa có tiền của. Để có những kết quả xử lý kẻ phạm tội, những người tố cáo tham nhũng phải chấp nhận thiệt thòi, sự đơn độc và những đe dọa trả thù từ những người có hành vi tham nhũng.
Phần lớn những người phát hiện các dấu hiệu tham nhũng đều phải tự mình tìm kiếm chứng cứ, thông tin, thu thập tư liệu để chứng minh cho những lời buộc tội của mình. Công việc này đòi hỏi không chỉ thời gian, công sức, tiền của mà thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng bản thân và gia đình họ. Cũng có người ngay từ đầu khi phát hiện ra hành vi tham nhũng đã báo cáo lên cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng họ lại không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết mà ngược lại, có trường hợp còn bị trù dập, vu khống là gây rối trật tự xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của chi bộ Đảng, chính quyền địa phương…
Hành trình gian nan của những người đi tìm công lý cho cộng đồng nhiều khi vấp phải trở ngại từ chính những người bà con làng xóm, những người có chức có quyền, có địa vị, có kiến thức nhưng lại e ngại, quay lưng làm ngơ. Những người tố cáo tham nhũng thường phải đơn thương độc mã một mình với công việc mà nhiều người gọi là “vác nạng chống trời”, thậm chí còn bị gọi là những kẻ “dở hơi”, “ngu ngốc” khi dấn thân vào công việc không phải là trách nhiệm của mình.
Thế nhưng, vì lợi ích của cộng đồng, vì lẽ phải, họ đã mạnh dạn, kiên trì đấu trí với những kẻ tham nhũng, bỏ thời gian để gõ cửa nhiều cơ quan chức năng tìm kiếm tiếng nói đồng tình, một điểm tựa, một chỗ dựa về mặt pháp lý để phanh phui hành vi tham nhũng.
Trên thực tế, không dễ gì một người dân bình thường tiếp cận được với các cơ quan chức năng để trình bày những chứng cứ về hành vi tham nhũng của đối tượng mà họ phát hiện. Trong khi chờ đến lúc những tài liệu của họ được những người có trách nhiệm xem xét, điều tra thì họ phải một mình đối mặt với những toan tính trả thù cá nhân từ những kẻ tham nhũng. Sự trả thù này nhiều khi còn đe dọa cả cuộc sống của người tố cáo và gia đình họ. Đây cũng là một thực tế mà các cơ quan chống tham nhũng cần quan tâm để những người tố cáo không phải chịu thiệt thòi.
Trong số 29 cá nhân được tuyên dương về thành tích chống tham nhũng trong cả nước năm 2009, một số người đã tìm ra cách để không còn “đơn độc” là tìm đến với đồng đội, với những cấp chính quyền, những cơ quan thực thi pháp luật của Nhà nước. Đây là cách làm hiệu quả nhưng thực tế vẫn có một số trường hợp, ngay cả chính quyền cũng bao che cho hành vi tham nhũng và người tố cáo lại một lần nữa đối mặt với sự chỉ trích không đáng có từ phía những cá nhân có quyền, có thế lực.
Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tham nhũng và Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Chủ tịch nước cũng đã ký phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào tháng 6-2009. Gần đây nhất, vào ngày 9-12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 138/2009/QĐ-TTg “Về tổ chức, tên gọi, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.
Thế nhưng, người tố cáo tham nhũng vẫn chưa có được những quy định bảo vệ an toàn một cách chặt chẽ, nhằm giúp họ tránh sự trả thù của những kẻ tham nhũng. Chính vì chưa có cơ chế rõ ràng về việc bảo đảm an toàn cho họ nên số lượng thư nặc danh tố cáo hành vi tham nhũng vẫn còn tồn tại.
Thư nặc danh có thể đúng hoặc sai, nhưng cho thấy một điều, nhiều người lo ngại cho sự đấu tranh của riêng bản thân họ nên không dám ra mặt. Nếu Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cùng những biện pháp bảo vệ an toàn cho người tố cáo, chắc chắn họ sẽ mạnh dạn tìm đến với các cơ quan chức năng, vững tin phối hợp với những người khác để đấu tranh chống tham nhũng.
Tuyên dương những người chống tham nhũng là cần thiết, nhưng để nhân rộng những điển hình này là chuyện cần làm. Chúng ta muốn chống được “quốc nạn” tham nhũng thì rất cần sự đóng góp của những người dũng cảm tố cáo tham nhũng.
Làm sao để họ không nhận thấy mình đơn độc, làm sao để bảo đảm an toàn cho họ và gia đình họ, tạo cho họ điểm tựa không chỉ về tinh thần mà cả vật chất để đấu tranh đến cùng với những kẻ tham nhũng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan thực thi pháp luật.
HÀ AN
.
.
Điểm tựa cho người chống tham nhũng
Thứ Năm, 17/12/2009, 07:52 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.