Báo Đà Nẵng số ra ngày 14-12-2009 đăng một bài viết thật cảm động của tác giả Lê Văn Thơm: Bài báo nói về tấm lòng của Hội Cựu chiến binh, cán bộ, công nhân viên thuộc Đoàn Thanh niên Bệnh viện C Đà Nẵng, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội CCB, hai thế hệ đã về thăm Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, đồng thời tổ chức khám và chữa bệnh miễn phí cho CCB già yếu ở xã Gio Việt, Gio Linh cũng như cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Trước hết, phải khẳng định rằng chuyến thăm đó của các thầy thuốc Bệnh viện C Đà Nẵng thật ý nghĩa, vẹn tình. Lâu nay, có không ít lời phàn nàn từ dư luận về y đức của người thầy thuốc. Đó là một thực tế đau lòng bởi cũng đã có một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế vô cảm để làm giàu trên nỗi đau của bệnh nhân.
Vấn nạn xót xa ấy xúc phạm đến nhiều người thầy thuốc luôn tâm niệm nguyên tắc “Lương y như từ mẫu” mà Bác Hồ đã dạy. Điều mà Bác Hồ đã căn dặn là sự khái quát hóa một cách đủ đầy Lời thề của Hypocrates mà bất kỳ người thầy thuốc nào cũng hiểu: “Tôi xin thề trước thần Apollon chữa bệnh, trước thần y học Esculapius, trước thần Hygieia và Panacea… rằng, tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…”.
Lời thề ấy không những được phát huy cho hiện tại - khám và chữa bệnh cho những người đang sống, mà còn được hiểu bằng cách nghĩ cụ thể của tâm thức thiêng liêng: Uống nước nhớ nguồn. Mỗi người thầy thuốc hôm nay - cũng như tất cả những ai hiểu rõ sự hy sinh gian khổ của những thế hệ đi trước để giành độc lập, thống nhất vẹn toàn cho dân tộc, thì tình cảm và trách nhiệm hướng về nguồn để tỏ lòng biết ơn các CCB, các thân nhân và những người đang chăm lo giấc ngủ an bình cho các liệt sĩ là điều rất đáng trân trọng.
Đó không chỉ là một chuyến đi để hiểu và biết mà còn là chuyến đi của thức ngộ, của chân lý và lẽ phải, của tấm lòng thành. Nói một cách khác, nếu mỗi người thầy thuốc biết trân trọng lịch sử và quá khứ như thế thì họ sẽ càng hiểu rõ trách nhiệm và bổn phận của mình đối với những người đang sống.
Đó có lẽ là cách giáo dục, ôn lại tốt nhất truyền thống quý báu của dân tộc bởi những vùi lấp lạnh lùng của những bon chen đời thường không phải ai cũng lường hết được. Càng gần gũi với tổ tiên, cha ông bằng niềm biết ơn và trân trọng, con người càng trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn là nguyên tắc của muôn đời.
Người xưa dạy: Ôn cố tri tân - học hỏi và hướng về nguồn để hiểu rõ hơn các giá trị sống của hiện tại là điều không ai được phép quên. Các thầy thuốc trẻ của Bệnh viện C Đà Nẵng chắc hẳn đã ý thức rất rõ sự cao quý của đạo lý ấy. Rất tin tưởng rằng sự hiểu biết từ cội nguồn, lịch sử cũng giống như những hương thơm bất diệt tỏa rộng từ suối nguồn - là điều để nâng mỗi chúng ta vững vàng hơn, sáng trong và làm tròn bổn phận hơn trong cuộc sống vất vả mỗi ngày...
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Hương tỏa đầu nguồn
Thứ Ba, 15/12/2009, 13:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.