.

Không chỉ là chuyện tiết kiệm 7 tỷ đồng...

Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng vừa ra thông cáo cho biết, qua việc sơ kết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân (HĐND) ở 7 quận, huyện (không kể huyện Hoàng Sa) và HĐND ở 45 phường toàn thành phố, đã giảm được 1.341 đại biểu HĐND, lợi ích “bước đầu có thể thống kê được” là tiết kiệm mỗi năm 7 tỷ đồng!

Ý nghĩa thứ nhất của vấn đề là ở chỗ, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tiết kiệm cho ngân sách - tức là tiền dân, của nước hàng trăm tỷ đồng, nếu tiếp tục thực hiện sự đại trà hóa mô hình đã được “kiểm định” từ Đà Nẵng và một số địa phương khác trên phạm vi cả nước. Tiền tiết kiệm từ việc chi trả lương, hội họp, tiền điện nước, công văn, điện thoại…, thực ra còn lớn hơn nữa nếu chúng ta lượng tính rằng hàng chục ngàn đại biểu lâu nay chưa huy động được hết sức lực, trí tuệ cho công việc chủ yếu ở các Ủy ban Nhân dân, các chức vụ như Tòa án, Viện kiểm sát…, sẽ toàn tâm, toàn ý lo cho nhiệm vụ ích nước, vì dân một cách trọn vẹn, hiệu quả.

Chuyện của cái “bánh xe thứ năm” trong cơ chế tổ chức của ta lâu nay đã gây ra rất nhiều hệ lụy, phiền hà. Bỏ được cách tư duy - cấu trúc phiền hà đó sẽ tạo ra cái ý nghĩa thứ hai lớn hơn nữa: Đó là việc cắt giảm được rất nhiều dây nhợ của sự chồng chéo về quyền hạn, sự lấn sân về khả năng và thẩm quyền, sự mất thời gian vô lý vì sự chờ đợi, sự phân tâm của những cán bộ đang trực tiếp điều hành bộ máy hành chính... Có thể nói, ý nghĩa này là vô giá và không thể lượng định hay “quy đổi” thành tiền bởi nó giải phóng cả một sự trì trệ ghê gớm, kìm hãm rất nhiều những đổi thay cần phải có. Gánh nặng của thủ tục hành chính là cái bánh xe thứ năm, thứ sáu của một guồng máy mà trong thời đại ngày nay, không chấp nhận bất kỳ một sự lạm dụng hay thiếu hiệu quả nào, vì tốc độ của nền kinh tế và sự thay đổi chóng mặt của xã hội không thể vận hành bằng những trở lực không đáng có.

Ý nghĩa thứ ba của vấn đề là thành công của việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường sẽ động viên người dân rất lớn vì họ có niềm tin chắc chắn rằng Đảng và Nhà nước quyết tâm thay đổi nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Mặt khác, việc không tổ chức HĐND ở cấp quận - huyện, phường còn chứng minh rằng chúng ta có thể thay đổi được cả những điều không thể (!). Không dễ gì để một cơ chế đã từng tồn tại suốt 64 năm qua “bỗng dưng” trở nên không cần thiết nữa. Sự mạnh mẽ và kiên quyết là tín hiệu tốt khẳng định rằng việc định lại giá trị và những gì liên quan là Đảng và Nhà nước ta quyết chí thực hiện.

Mặt khác, cũng cần cảnh báo rằng với việc HĐND cấp huyện - quận -  phường không còn tồn tại, tức là đã giảm bớt một khâu giám sát đối với hoạt động của chính quyền. Nói cách khác, quyền lực của UBND tăng lên, đồng nghĩa với việc lạm quyền có thể nảy sinh. Vì vậy, tăng cường năng lực giám sát, phản biện; năng lực kiểm soát của các tổ chức như mặt trận, đoàn thể là hết sức cần thiết. Một khoảng trống được tạo ra - dù là chuyện trong tự nhiên hay xã hội, cũng luôn cần đến sự “lấp đầy” của một sức mạnh khác. Đây là điều phải tính đến để sao cho, hoạt động của chính quyền các cấp cơ sở, mạnh mẽ hơn nhưng cũng vẫn được giám sát và phản biện tốt hơn.

Khả năng thích ứng - thay đổi của bộ máy chính quyền trước những nhu cầu của thời đại, thời vận, thời cuộc, thực tế cuộc sống là yêu cầu tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển ổn định và lành mạnh. Việc không tổ chức HĐND các cấp quận - huyện - phường là một trong những thay đổi đúng đắn và hiệu quả ấy. Suy cho tới cùng, một chính quyền tốt phải là một chính quyền ít cai trị nhất. Sự phục vụ, tromg cái lẽ hàm nghĩa lớn nhất của khái niệm này là sự tinh giản và hiệu quả. Đà Nẵng đã chứng minh được cái lý đúng đắn của sự cần thiết, hiệu quả là điều người dân chờ đợi và tin tưởng...

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.