Dòng tin trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 28-12-2009 thật ngắn: Chuyện kể về em Dương Nguyễn Tuệ Giang, học sinh lớp 7/1 Trường phổ thông Hermann Gmeiner, đi chơi đêm Giáng sinh ở quận Ngũ Hành Sơn, rồi nhặt được ví tiền trong đó có 1,5 triệu đồng. Hôm sau, Giang đã đem nộp cho Ban Giám hiệu để trả lại cho người bị mất...
Tôi đã đọc đi đọc lại đoạn tin trên và ngắm mãi ảnh cô bé Giang rạng rỡ, chân thành. Câu chuyện giản dị ấy thật đáng xúc động, nhất là trong thời buổi hiện nay… Đọc báo, xem ti-vi thấy dối gian, lừa đảo, tham nhũng… phát tác, nảy nòi đến mức không dám tin vào lòng tốt, sự trung thực của con người. Đôi khi giật mình trong lo ngại rằng làm thế nào để giáo dục cho học sinh những đức tính tốt đẹp một khi “chuyện đời” xung quanh các em có không ít những mảng màu xạm tối?
Không hiểu cháu Tuệ Giang có biết điều răn “chớ tham của người” hay không? Nhưng chắc chắn rằng cháu đã chứng minh đó là một trong những điều tốt đẹp nhất làm nên giá trị của con người. Không tham của người khác, trung thực ngay cả trong “bóng tối” (không ai biết Tuệ Giang nhặt được cái ví tiền ấy) là sự trung thực cao quý của bổn phận sống. Được biết, Bộ GD-ĐT đang có dự định triển khai chương trình dạy và học môn học chống tham nhũng(!)? Đó là môn học rất đáng bàn. Tại sao lại dạy cho các em những cách thức, những thủ đoạn kiếm tiền xấu xa của người lớn, trong khi chỉ cần giáo dục cho các em sự trung thực và biết thông cảm với nỗi đau của người khác là đủ?
Hai đức tính trung thực và thông cảm sẽ tạo nên con người tốt đáng mong ước của xã hội. Tuệ Giang không hề “hạnh tai lạc họa” (vui mừng trước nỗi đau của người khác) vì em ý thức được rất rõ rằng người đánh mất ví tiền rất cần đến nó. Tất nhiên, đó là một khoản tiền lớn đối với học sinh vì sẽ mua sắm được rất nhiều thứ.
Tôi đang cố hình dung ra cuộc “đấu tranh” của Tuệ Giang trong việc giữ im lặng để giữ lại số tiền đó và “nói” để trả lại cho người đánh rơi khoản tiền bằng lương tháng của một công nhân! Bởi vì một thực tế rất hiển nhiên: Đã là con người, dù ít hay nhiều đều có lòng tham, tính vị kỷ bẩm sinh. Có thể tôi đang suy diễn cái xấu mà hàng chục năm sống tôi đã gây ra không ít để đánh giá một trái tim non trẻ, thành thật đến nao lòng. Nhưng dù sao, món quà mà Tuệ Giang trao lại cho một người ở Nghệ An xa xôi ấy thật đẹp, thật đáng ghi nhận. Quả thực, nếu ai cũng biết sống ít ích kỷ đi, thông cảm và chia sẻ với người khác nhiều hơn thì cuộc đời chắc hẳn sẽ tốt đẹp lên nhiều lắm.
Xin gửi tới Dương Nguyễn Tuệ Giang một lời cảm ơn từ một người thầy đã có hàng chục năm đứng trên bục giảng. Việc làm của em, những người như em luôn là nguồn động viên to lớn đối với những người thầy vì đó cũng là món quà đẹp nhất mà học sinh có thể đem đến cho thầy, cô giáo: Còn gì hạnh phúc hơn khi những học sinh - những người chủ tương lai của đất nước ngày một giỏi giang, tốt đẹp, sáng trong?
VĨNH HÀ
.
.
Một hành động thật đẹp!
Thứ Ba, 29/12/2009, 09:45 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.