.

“Ngày tận thế”?

Từ ngày 7 đến ngày 18-12-2009, 90 nguyên thủ quốc gia và các đoàn đại biểu cấp cao của 193 nước, vùng lãnh thổ sẽ có cuộc họp quan trọng nhất, lớn nhất (với sự tham gia của 17.000 đại biểu) tại Copenhagen, để bàn về tình trạng biến đổi khí hậu của trái đất và các giải pháp cấp bách nhằm cứu trái đất vì hiểm họa của “ngày tận thế” (từ được dùng trên nhiều bản tin, thông báo khoa học) đã đến rất gần…

Theo ông Yvo de Boer, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nếu không có giải pháp quyết liệt, đến cuối thế kỷ này, mực nước biển sẽ dâng lên 1,4m - có nghĩa là toàn bộ nước Hà Lan, đồng bằng sông Cửu Long, 1/3 lãnh thổ Bangladessh… sẽ bị chìm xuống biển (!). Theo tiến sĩ  Mark New của Đại học Oxford, nếu các chính phủ không đạt được một “giải pháp đúng” thì đến năm 2060, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 4 độ C và thảm họa sẽ còn gần hơn nữa…

Bi kịch đã được báo trước, căn nguyên cũng được chỉ rõ: Do loài người lạm dụng quá nhiều nguồn nhiên liệu hóa thạch - chẳng hạn Trung Quốc sử dụng đến 60% năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Thế nhưng, câu trả lời lại rất khó vì một lẽ đơn giản: Không một nước nào chịu đi trước một bước vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế sụt giảm, các nhà sản xuất phản đối.

Bằng chứng rõ nhất là Nghị định thư Kyoto được ký từ năm 1997 nhưng cho đến nay, sắp hết hiệu lực mà Hoa Kỳ vẫn chưa tham gia (!). Mặt khác, để chuyển đổi cách sử dụng năng lượng (dùng sức gió, mặt trời, sóng biển) đòi hỏi phải có ít nhất hàng trăm tỷ USD đầu tư - điều mà những nước nghèo không thể làm được.

Tuy nhiên, vì nguy cơ đã hiển hiện ngay trước mặt nên loài người không được phép chần chừ nữa mà nhất định phải bắt tay cùng nhau hợp tác. Việc Tổng thống Mỹ Obama cam kết đến dự hội nghị là tín hiệu khẳng định sự thay đổi. Ai cũng biết Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản đang sử dụng đến 70% nguồn nhiên liệu hóa thạch của trái đất - nói một cách khác là 4 trung tâm kinh tế đó phải gánh chịu 3/4 trách nhiệm trong việc làm cho trái đất lâm vào tình trạng bị hoang mạc hóa, bị chìm xuống biển, bị thiên tai ngày càng khốc liệt.

Việt Nam là một nước mới tham gia vào guồng máy công nghiệp thế giới, nhưng tình trạng phá hoại môi trường, những dự án, đề án thiếu trách nhiệm, thiển cận đã gây ra không ít hậu quả trầm trọng. Mà điển hình nhất là trận lũ do bão số 9 và 11 gây ra, làm chết hàng trăm người, thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng.

Một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn nhất là Quảng Nam - tỉnh có đến 50 nhà máy thủy điện (!). Một hậu quả tưởng chừng như không quan trọng lắm nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hại là nếu công trình thủy điện trên sông Vu Gia không thay đổi, điều chỉnh thiết kế thì 1,5 triệu người dân Đà Nẵng và Quảng Nam trong tương lai sẽ bị thiếu nước sinh hoạt (!).

Cùng với thế giới, Việt Nam cam kết sẽ tuân thủ Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Để thực hiện được điều này, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tính toán, nghiên cứu các đề án phát triển một cách kỹ càng. Lợi ích môi trường phải được tính đến đầu tiên chứ không phải chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà bất kể mọi hậu họa khôn lường.

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.