.

Nhìn lại du lịch Đà Nẵng...

Nhìn lại hoạt động trong ngành Du lịch Đà Nẵng thời gian qua, có ý kiến cho rằng: Nguồn nhân lực chính phục vụ cho ngành Du lịch hiện nay còn rất thiếu, lại phần lớn lấy từ các ngành khác nhau, cần phải tiếp tục được rèn luyện, bồi dưỡng và đào tạo theo hướng chuyên nghiệp...

Chúng ta cần phải học nhiều về kỷ luật và ý chí của người Nhật, cung cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện của người Singapore và người Thái, thái độ làm việc của người phương Tây… thì mới có thể nâng cao trình độ phục vụ, bắt nhịp được với nền du lịch của thế giới. Thứ hai là cần phải tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù và rõ nét, Đà Nẵng đang hướng tới xây dựng một thành phố môi trường với sản phẩm du lịch biển và du lịch sinh thái đang dần hình thành.

Tuy nhiên, các dịch vụ giải trí còn yếu, nhất là giải trí thể thao biển, các dịch vụ về đêm, quán bar chưa đáp ứng được nhu cầu…, quà lưu niệm đặc thù còn ít. Sự gắn kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực để phát triển du lịch chưa chặt chẽ bởi thiếu vai trò nhạc trưởng nên chưa níu giữ được khách du lịch ở lại lâu, các ngành dịch vụ chưa thu được hiệu quả tương xứng…”.

Trên cơ sở đánh giá như vậy, người viết muốn trao đổi thêm về hai vấn đề này:

1- Về nguồn nhân lực: Thật ra, khi nói đến các yếu tố kỷ luật, ý chí, cung cách phục vụ chuyên nghiệp, thái độ làm việc của người Thái, người Nhật, người Singapore và phương Tây mà ta cần học hỏi... thì cuối cùng vẫn là chỉ nói đến một vấn đề là tính chuyên nghiệp! Bởi trong sự chuyên nghiệp đã bao gồm tính kỷ luật, cung cách phục vụ và thái độ làm việc rồi.
 
Điều này tất yếu phải thông qua thực tiễn và công tác đào tạo. Nhưng đào tạo ai và ai là người làm công tác đào tạo? Cũng không thể nói chỉ đào tạo các nhân viên lễ tân, buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch... mà cả những người bán hàng lưu niệm, anh lái xe taxi, người đạp xích lô, người bán vé xe buýt, vé máy bay, thậm chí cả những cảnh sát giao thông và anh thanh niên xung kích làm việc trên đường phố... Trong môi trường du lịch, tất cả những người đó đều đã có mặt trước du khách khi họ đến thăm một vùng đất.

Do vậy, cần phân biệt đào tạo ngành và đào tạo liên ngành và mối quan tâm của xã hội đối với mục tiêu thu hút du khách. Ngành Du lịch đâu thể đào tạo người bán hàng lưu niệm phải biết cười chào, biết nói một ngoại ngữ nào đó hay người phục vụ ở hiệu ăn cách giữ vệ sinh! Cho nên, đây phải là nỗ lực của toàn thể cộng đồng, bao gồm cả đào tạo và tuyên truyền, hướng dẫn và cả các biện pháp chế tài một cách thường xuyên.

Nói riêng về đào tạo chuyên ngành. Hiện chúng ta có các thị trường du khách quan trọng là Nhật, Trung Quốc, Nga và Thái Lan, nhưng tiếc thay các hướng dẫn viên du lịch biết ngoại ngữ của nguồn khách này hiện nay còn quá ít.
 
Ngành du lịch chưa chủ động đặt vấn đề đào tạo ngoại ngữ như vậy với các trường đại học cho các nhân viên hướng dẫn và lễ tân của các khu du lịch và khách sạn lớn. Điều mà người Việt nào ra nước ngoài cũng hết sức cảm động nếu ở đó có những người nói tiếng được nước mình. Nhưng trong hoạt động du lịch ở ta, nhiều du khách Nhật, Thái, Nga đều than rằng chỉ có thể giao dịch mua sắm bằng tiếng Anh!

2- “Để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù và rõ nét, Đà Nẵng đang hướng tới xây dựng một thành phố môi trường với sản phẩm du lịch biển và du lịch sinh thái...”. Điều đó đúng, nhưng tôi xin lạm bàn thêm về hai chữ “môi trường” trong du lịch. Môi trường ấy không chỉ là “xanh, sạch, đẹp” như ta nghĩ lâu nay.

Đó còn là không gian văn hóa, lịch sử đặc thù (như Hội An, Mỹ Sơn, Huế...), là không có cảnh chèo kéo giành giật khách, nạn ăn xin như hiện nay... Đà Nẵng, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tiếc thay đã bỏ quên, đánh mất hoặc chưa coi trọng nhiều di tích văn hóa, lịch sử quý giá của mình như các nghĩa trủng, đồi hài cốt, thành Điện Hải, nhiều công trình kiến trúc và di tích tiêu biểu của các thời kỳ lịch sử.

Tạm đặt vấn đề: Nếu trên bãi biển Mỹ Khê hay Ngũ Hành Sơn vẫn còn giữa lại một cái boong-ke, một chiếc thiết giáp thời Mỹ, Pháp chiếm đóng thì giá trị của những điểm đến đó sẽ tăng lên rất nhiều lần. Và không khó để phục chế, phục dựng lại những chi tiết đó. Cần lưu ý là sản phẩm du lịch trong lĩnh vực văn hóa-lịch sử đôi khi là sự liên kết của rất nhiều hiện vật, di tích đơn lẻ được xếp đặt và giới thiệu theo chủ đề, mục đích rõ rệt.
 
Thêm nữa, du khách đến Đà Nẵng ngày nay chỉ thấy biển, trời, những cây cầu, đường phố hiện đại mà không thể hình dung nó đã tồn tại như thế nào trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt. Một bảo tàng lịch sử sẽ làm chức năng tạo ra thông tin đó cho du khách là rất cần thiết!

Về “Sự gắn kết để phát triển du lịch vùng” lâu nay còn yếu, còn chưa chặt chẽ. Xin nói ngay là nhận định đó quá nhẹ nhàng và chẳng mất lòng ai. Phải nói nếu có sự gắn kết nào đó, thì đều do các doanh nghiệp tự làm, tự phát chứ vai trò quản lý Nhà nước về vấn đề này còn mờ nhạt. Cuộc thi bắn pháo hoa hằng năm, “Liên hoan du lịch biển”, “Âm vàng sông Hàn”... đã kết nối được gì với các tỉnh, thành trong khu vực, với các lễ hội Festival Huế, Hành trình di sản Quảng Nam, với các tour, tuyến lữ hành quốc tế để họ đưa khách đến! Về Hành lang kinh tế Đông Tây:
 
Vai trò của ngành du lịch Đà Nẵng đã có gì trong việc liên kết phát triển du lịch với Thái Lan, Lào, Myanmar? Mới chỉ thụ động dự các triển lãm, hội thảo, roadshow chung chung chứ chưa thấy vai trò của “một đô thị động lực” ở đây... bằng các dự án cụ thể, mang tính chiến lược. Nếu có, như tuần lễ “Hành lang kinh tế Đông Tây” hồi năm 2006, thì hoạt động mang tính quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch cũng mới ở mức “hưởng ứng”. Cho nên, hãy cùng nhau thảo luận để nhận ra mọi chuyện và có những kế hoạch cụ thể hơn để cùng xắn tay lên thay đổi cục diện.

ANH TRƯƠNG

;
.
.
.
.
.