Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2009), sáng 1-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh rằng, Hội Cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy bản chất truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, vận động CCB tiếp tục tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, phát hiện, đấu tranh với mọi hành vi tham nhũng, bảo vệ sự lành mạnh của xã hội, góp phần tích cực để đưa đất nước phát triển…
Với 2,6 triệu hội viên, Hội CCB thực sự là một đội quân hùng hậu, đang sống và sinh hoạt tích cực trong 16 vạn chi hội cơ sở. Đó là những người mang trong mình tinh thần đi đầu, xung kích, trung dũng, quật cường và cũng là những người am hiểu đầy đủ nhất về hoạt động của các chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể các cấp. Họ luôn xứng đáng với 8 chữ vàng: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.
Chính vì thế, nếu phát huy tốt sức mạnh của Hội CCB thì chắc chắn công cuộc chống tham nhũng sẽ có kết quả tốt đẹp.
Thứ nhất, hơn một nửa số hội viên hiện đang công tác và không ít người trong số đó nắm giữ trọng trách. Điều kiện và trình độ, phẩm chất để tiếp cận thực tế là một ưu thế rất lớn - nếu không muốn nói đây là một trong những tổ chức có vai trò và tiếng nói quan trọng nhất.
Thứ hai, CCB là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc; do đó, hơn ai hết, họ là những người biết rõ nhất giá trị của một chế độ xã hội vững mạnh, sức mạnh của lòng dân quan trọng như thế nào. Thứ ba, đại đa số CCB đều nhận được sự tin tưởng của người dân cũng như cán bộ, công chức. Vì vậy, nếu CCB thực sự đi đầu trong công cuộc chống tham nhũng thì nhất định sẽ nhận được sự ủng hộ cao nhất của mọi người.
Tất nhiên ai cũng biết rằng, chống tham nhũng - kẻ thù vô hình, khó nhận diện - là một công việc khó khăn. Do đó, nếu chỉ góp ý, phê bình thì không thể có kết quả. Muốn cho CCB phát huy được sức mạnh với tư cách là một tổ chức thì cần thiết phải có những quyền hạn và trách nhiệm nhất định.
Chẳng hạn, nếu CCB phối hợp với Mặt trận (địa phương), Công đoàn (trong các cơ quan Nhà nước) một cách đầy đủ, hiệu quả thì cái xấu, cái ác mới có thể được ngăn chặn, phát hiện kịp thời. Điều cần nhất, các CCB phải là những người không tham gia trong bộ máy của chính quyền hay cơ quan thì tiếng nói, quan điểm của họ mới có một sức nặng thật sự.
Nếu được tổ chức tốt, nếu được trao những quyền hạn cụ thể, rõ ràng; nếu khơi dậy được ý chí chiến đấu, tinh thần xung kích của anh “Bộ đội Cụ Hồ” thì chắc chắn rằng công cuộc chống tham nhũng sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Hà Văn Thịnh
.
.
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”
Thứ Tư, 02/12/2009, 07:52 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.