.

Rừng núi dang tay nối lại biển xa...

1- Rừng núi dang tay nối lại biển xa... - câu hát Trịnh Công Sơn quen thuộc ngày nào cứ vang vọng trong tôi suốt tám ngày tháp tùng Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đi thăm và làm việc với lần lượt cả năm tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Sở dĩ có được ấn tượng ấy là bởi chủ đề bao trùm và thường xuyên được nhắc tới tại các buổi làm việc chính thức cũng như lúc trao đổi hành lang hay khi trà dư tửu hậu suốt tám ngày qua là mối liên kết kinh tế giữa từng tỉnh cao nguyên với thành phố cảng biển bên bờ sông Hàn. Tất nhiên mối liên kết kinh tế nói ở đây là mối liên kết mang tính chiến lược, được xem xét trong quan hệ không thể tách rời với văn hóa và với quốc phòng - an ninh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đôi bên hợp tác cùng có lợi, chứ không phải là kiểu làm ăn nhất thời đơn lẻ, mạnh ai nấy làm khá phổ biến lâu nay.

2- Một vấn đề được thảo luận sôi nổi khi bàn về mối liên kết kinh tế giữa từng tỉnh cao nguyên với Đà Nẵng là thành phố cảng biển bên bờ sông Hàn có thể làm gì để giúp Tây Nguyên giải được bài toán tinh/thô liên quan tới lâm sản và khoáng sản. Sản lượng cây công nghiệp và trữ lượng khoáng sản ở các tỉnh Tây Nguyên ai cũng biết và ai cũng tự hào là rất lớn, đang/sắp trở thành thế mạnh xuất khẩu, nhưng hiện nay hầu hết đều xuất khẩu ở dạng thô, chẳng hạn cây cao su chỉ xuất khẩu ở dạng crepe hoặc như bauxite cũng dự kiến chỉ xuất khẩu ở dạng alumin… dẫn đến giá trị thương phẩm thấp hơn nhiều so với sản phẩm tinh chế mà không phải trong nước không có khả năng sản xuất/chế tác. Từ đó có thể mở ra triển vọng cho Nhà máy Cao su Đà Nẵng bằng thương hiệu đã được khẳng định sẽ liên kết với các doanh nghiệp trồng và khai thác cây cao su ở Tây Nguyên để tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm sản xuất lốp ô tô và các chế phẩm cao su khác có giá trị thương phẩm cao…

3- Vấn đề giao thông cũng được nhắc tới nhiều khi bàn về mối liên kết kinh tế giữa Tây Nguyên với Đà Nẵng và giữa các tỉnh cao nguyên với nhau. Đường Hồ Chí Minh đã mở cho các tỉnh Tây Nguyên, nhất là hai tỉnh Bắc Tây Nguyên cơ hội rút ngắn hành trình ra biển - biển thật với ầm ào sóng vỗ chứ không phải Biển Hồ ngàn đời tĩnh lặng giữa Gia Lai. Tuy nhiên đó mới là đường bộ chứ đường hàng không để tăng cường liên kết về du lịch và về lưu thông hàng hóa kiểu mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên thì rõ ràng đang bất cập. Các tuyến bay thẳng Đà Nẵng - Pleiku, Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột đã có nhưng cũng chưa được khai thác triệt để nhằm tạo sự sôi động trong công nghiệp không khói và trong thương mại, riêng tuyến bay thẳng Đà Nẵng - Đà Lạt thì mới vừa được lãnh đạo hai địa phương thống nhất phối hợp để đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho khôi phục lại càng sớm càng tốt. Điều đáng chú ý là các trục giao thông huyết mạch giữa các tỉnh Tây Nguyên với nhau đang còn rất hạn chế, chẳng hạn như mấy tuyến đường Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột - Đà Lạt… Đương nhiên đấy toàn là quốc gia đại sự nhưng nghĩ về mối liên kết kinh tế ngay lúc đang dằn xóc ê người trên từng cây số thì mới thật sự thấm thía về mấy chữ huyết mạch giao thông và càng thấm thía hơn về mấy chữ đầu tư dàn trải…

4- Nói đến quốc gia đại sự không thể không nhắc tới một nội dung thảo luận cũng khá hào hứng giữa đoàn công tác của Đà Nẵng với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên: vấn đề quy hoạch đô thị. Kim Thánh Thán có nói đại ý rằng nghĩ mà đúng thì chỉ cần bước một bước cũng có thể đến nơi cần đến, nghĩ mà không đúng thì càng bước nhiều bước càng xa nơi cần đến. Tất nhiên ở đây Kim Thánh Thán đang bàn chuyện sáng tác văn chương nhưng trong quá trình phát triển đô thị, ý tưởng của ông rất đáng để suy ngẫm. Quy hoạch đô thị chính là việc nghĩ đúng hay không đúng diện mạo phố phường, nếu quy hoạch đúng thì cái diện mạo ấy sẽ luôn hiện đại hay chí ít là khó lỗi thời, còn nếu quy hoạch không đúng thì… ngược lại. Các thành phố ở Tây Nguyên như Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Đà Lạt - và cả khu du lịch sinh thái Măng Đen ở huyện Kon Plong trên tuyến đường Kon Tum đi Quảng Ngãi nữa - rất cần được những chuyên gia quy hoạch tầm cỡ quốc tế trực tiếp phác thảo diện mạo cho tương lai của mình sao cho thật phù hợp với địa hình phố núi và với văn hóa rừng vô cùng thân thiện với thiên nhiên. Đầu tư cho công việc hệ trọng này chắc chắn là trong tầm nhìn mà ngoài tầm với, tức vượt quá khả năng tài chính của các tỉnh Tây Nguyên.

5- Trong liên kết kinh tế, điều cốt yếu là phải biết tận dụng thế mạnh của nhau. Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, hồ tiêu ở Gia Lai, cà phê ở Đắk Lắk, hoa ở Đà Lạt, trà ở Bảo Lộc hay không gian văn hóa cồng chiêng… là thế mạnh và/vì là đặc sản của Tây Nguyên. Nguồn vốn tài chính, công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý đô thị, bãi biển và hải sản tươi sống là thế mạnh của Đà Nẵng. Hoa hồng, hoa ly, tranh thêu X.Q, trà Ô Long… của Đà Lạt đang được người tiêu dùng Đà Nẵng ưa chuộng nhưng dường như hải sản tươi sống của Đà Nẵng vẫn chưa có chỗ đứng trong thị hiếu tiêu dùng của người Đà Lạt/người ở Đà Lạt nói riêng và người Tây Nguyên/người ở Tây Nguyên nói chung. Ăn tôm tươi hay mực tươi trong các nhà hàng ven biển kể cũng thú vị và điệu nghệ, nhưng không chừng ăn tôm vẫn tươi và mực vẫn tươi trong không khí se lạnh của cao nguyên có thể càng thú vị và điệu nghệ hơn. Nếu tuyến bay thẳng Đà Nẵng-Đà Lạt sớm được khôi phục, người Tây Nguyên và người đang du lịch ở Tây Nguyên hoàn toàn có thể tận hưởng sự thú vị và điệu nghệ ấy từ Đà Nẵng - chứ không chỉ từ Nha Trang như hiện nay - và vào một ngày không xa nữa - bởi mối liên kết kinh tế giữa từng tỉnh cao nguyên với thành phố cảng biển bên bờ sông Hàn đang bắt đầu khởi động mạnh sau chuyến đi thăm và làm việc suốt tám ngày qua tại Tây Nguyên của đoàn cán bộ thành phố Đà Nẵng. Rừng núi dang tay nối lại biển xa...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.