Thực phẩm liên tục bị phanh phui, đình chỉ hoạt động vì nhiễm bẩn nhưng vẫn âm thầm tiêu thụ trên thị trường. Mới đây nhất, 4 cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng tại thành phố Hồ Chí Minh bị tạm đình chỉ hoạt động vì vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người dân gần như mất lòng tin vào thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên hiện nay, một trong những nhãn hiệu cháo dinh dưỡng này vẫn đang được bày bán tại Đà Nẵng. Vậy cháo dinh dưỡng ở Đà Nẵng có khác cháo ở thành phố Hồ Chí Minh hay không? Câu trả lời phải chờ, cán bộ quản lý thực phẩm ở Đà Nẵng cũng chỉ mới bắt đầu đi kiểm tra.
Trước thông tin cháo dinh dưỡng có độc tố khiến nhiều người té ngửa. Nhất là việc những hộ sản xuất loại cháo này đã sử dụng cả hóa chất độc hại để nấu cháo.
Vậy hóa chất đó là gì, vì sao lại có trong cháo dinh dưỡng chủ yếu được trẻ con sử dụng? Một cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại thành phố Đà Nẵng giải thích: Chất benzoat và sorbate là hai loại hóa chất công nghiệp có tác dụng làm tăng độ sệt khi bỏ vào thực phẩm như cháo và chất bảo quản chống hư, để cháo giữ được lâu hơn. Tuy nhiên, chất này khi bỏ vào thực phẩm phải được sự cho phép của cơ quan chức năng quản lý về liều lượng, nhất là thực phẩm dùng cho trẻ em càng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt.
Tại Đà Nẵng, gần 20 quầy cháo dinh dưỡng được bày bán gần các chợ và trường tiểu học, mẫu giáo. Ở một số nơi, quầy cháo dinh dưỡng bày bán ngay trên lề đường nên có thể gộp vào loại hình thức ăn đường phố. Ngoài cháo dinh dưỡng, rất dễ nhận thấy thức ăn đường phố hiện nay thật kinh hoàng. Nào là cơm, phở, cháo, bánh mì, bún mắm... ngoài bụi bẩn còn có mỡ bẩn, rau bẩn, thậm chí thịt, chả cá chiên đôi khi được trộn lẫn hàn the, phoóc-môn để tăng độ tươi, giòn đánh lừa thực khách.
Mỗi ngày, trung bình các lò giết mổ tập trung của thành phố cũng chỉ đạt công suất vài trăm con bò, heo để đưa ra thị trường. Lượng gà “sạch” đưa đến các chợ cũng chỉ trên dưới 1.000 con. Vậy lấy đâu vài ngàn cặp chân gà nướng, chiên mắm mỗi ngày được các quán nhậu tập kết để phục vụ các thượng đế. Mà nếu đã là gà lậu nhập về thì không ai dám chắc chân gà ấy trước đó đã không được tẩy trắng bằng oxy già.
Cuối tháng 11 vừa qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm đều đồng tình nâng Pháp lệnh An toàn thực phẩm lên thành Luật để giải quyết vấn nạn an toàn vệ sinh thực phẩm đang gây bức xúc trong đời sống xã hội, nhưng các đại biểu cho rằng muốn ngăn chặn được nạn thực phẩm bẩn cần có chế tài mạnh hơn. Nhìn nhận về mối nguy hại đến sức khỏe cộng đồng từ thức ăn đường phố, có đại biểu Quốc hội ví von:
“Hiện nay, miếng thịt sống là do Bộ NN-PTNT quản lý, thịt chín là do Bộ Y tế quản lý, còn thịt tai tái chẳng cơ quan nào quản lý cả. Thực tế, phần lớn thức ăn đường phố không xác định được nguồn gốc. Nhưng theo dự thảo thì luật chưa đi đến gốc của vấn đề, như việc cần quản lý chặt thực phẩm từ quá trình sản xuất và lưu thông”. Vấn đề nóng và quan tâm nhất là quản lý cho được loại hình thức ăn đường phố, nơi mà nhiều địa phương gần như “thả tay”.
Ước tính trong khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm chí ít cũng có vài “sự cố” thực phẩm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng bị phát hiện. Từ vụ nước tương nhiễm bẩn rồi đến thịt gia cầm lậu, mỡ động vật thối, sữa chứa độc tố gây sạn thận, chất dị ứng, xí muội, mứt có chứa chất chì, hành phi chứa dầu đen... nay cháo dinh dưỡng cũng không an toàn, khiến cho cả xã hội thêm phần lo lắng. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu sau cháo dinh dưỡng, thực phẩm nào bị nhiễm bẩn tiếp theo được phát hiện.
DIỆU MINH
.
.
Sau cháo dinh dưỡng là gì?
Thứ Hai, 07/12/2009, 07:32 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.